CÁC DẤU ẤN HÓA MÔ MIỄN DỊCH ĐỂ PHÂN LOẠI UNG THƯ VÚ

Theo Globocan 2020, ung thư vú là loại ung thư hay gặp nhất ở nữ, với tỷ lệ tử vong cao mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy ung thư vú có nhiều type phân tử, tương ứng mỗi type lại có lâm sàng, tiên lượng và đáp ứng điều trị khác nhau. Hiện nay, hoá mô miễn dịch là một phương pháp xét nghiệm đơn giản, hiệu quả, được sử dụng rộng rãi nhằm phân type phân tử ung thư vú, hữu ích trong công cuộc cá thể hoá điều trị.

Định nghĩa Hóa mô Miễn dịch.

            Hóa mô Miễn dịch (Immunohistochemistry – IHC) là một xét nghiệm quan trọng để tìm sự hiện diện của các kháng nguyên có mặt trong tế bào và mô, được làm trên các lát cắt mô nhằm xác định nguồn gốc và bản chất của tế bào và mô.

Nguyên tắc của Hóa mô Miễn dịch

            Hóa mô Miễn dịch dựa trên liên kết kháng nguyên – kháng thể. Kháng nguyên đặc trưng của ung thư hiện diện trên bề mặt tế bào khối u. Do đó, nó trở thành dấu hiệu nhận biết. Khi thực hiện kỹ thuật Hóa mô Miễn dịch, nếu khối u có kháng nguyên đặc trưng, nó sẽ liên kết với kháng thể (tương tác ổ khóa và chìa khóa) và phát ra tín hiệu huỳnh quang nhận biết.\

Hình 1. Tương tác kháng nguyên – kháng thể

Các dấu ấn phân loại ung thư vú

Dấu ấn Thụ thể Estrogen và Progesteron (ER, PR)

Thụ thể Estrogen và Progesteron là hai dấu ấn quan trọng, sử dụng để phân chia ung thư vú thành hai nhóm cơ bản là nhóm có thụ thể nội tiết dương tính và nhóm có thụ thể nội tiết âm tính.

  • ER dương tính (hay ER+): Tế bào ung thư vú có thụ thể estrogen dương tính.
  • PR dương tính (hay PR+): Tế bào ung thư vú có thụ thể progesteron dương tính.
  • Thụ thể nội tiết dương tính: Tế bào ung thư có ER hoặc PR hoặc cả hai dương tính.
  • Thụ thể nội tiết âm tính: Tế bào có ER và PR âm tính

Bệnh nhân ung thư vú nên được xét nghiệm cả hai thụ thể nội tiết này dựa trên mô u sinh thiết hoặc mô u được lấy bằng phẫu thuật và nhuộm bằng kỹ thuật Hóa mô Miễn dịch. Nếu thụ thể nội tiết dương tínhm các thuốc hoặc phương pháp điều trị nội tiết sử dụng sẽ làm giảm nồng độ estrogen hoặc ngăn chặn estrogen hoạt động trên tế bào ung thư vú. Phương pháp điều trị này không có hiệu quả đối với các khối u có thụ thể nội tiết âm tính.

Hình 2. Receptor nhận biết và liên kết các thụ thể hormon trên bề mặt tế bào

Dấu ấn HER2

Là một thụ thể của yếu tố phát triển biểu bì, còn được gọi là ERBB2. Ngoài ra Her2 còn có vai trò quan trọng trong biệt hoá tế bào, kết dính tế bào, vì vậy liên quan đến khả năng xâm lấn và di căn của ung thư vú.

Các tế bào u được coi là dương tính khi bộc lộ với màng tế bào. Dựa vào cường độ bộc lộ:

  • HER2 dương tính mạnh (3+) nếu toàn bộ màng tế bào dương tính, cường độ cao >10% tế bào u.
  • Tế bào u dương tính không rõ ràng (2+) nếu màng tế bào bộc lộ không hoàn toàn, mức độ yếu hoặc trung bình. Trong trường hợp này, cần làm thêm xét nghiệm lai tại chỗ FISH để xác định có khuếch đại gen HER2 không.
  • Nếu màng tế bào lên màu mờ không hoàn toàn (1+) hoặc không thấy lên màu thì được coi là âm tính.

Hình 3. HER2 bình thường và HER2 phát triển quá mức

Dấu ấn Ki67

Ki67 là kháng thể đơn dòng nhận biết đặc hiệu kháng nguyên trong nhân của tế bào đang phân bào (tế bào ở phá G1, S, G2, và các kỳ của pha M). Đây là chỉ số tăng sinh của tế bào ung thư. Trong ung thư vú, Ki67 có tương quan mạnh với độ mô học cao. Tỷ lệ Ki67 dương tính càng cao thì nguy có tái phát bệnh càng lớn, thời gian sống của bệnh nhân càng ngắn.

Tóm lại, Hóa mô Miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tiềm năng sinh học khối u, dự đoán đáp ứng điều trị và hỗ trợ đánh giá tiên lượng bệnh. Việc áp dụng Hóa mô Miễn dịch nhằm đảm bảo kết quả tin cậy nhất cho bệnh nhân đòi hỏi phải xây dựng quy trình thao tác chuẩn, kỹ thuật viên thực hiện kỹ thuật nhuộm có trình độ và kinh nghiệm, phương pháp nhuộm phải dảm bảo chất lượng tốt,… cũng như tăng cường năng lực quản lý chất lượng và giám sát chất lượng xét nghiệm Hóa mô Miễn dịch.

ThS. Nguyễn Thị Nhạn – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Yaziji H, Taylor CR, Goldstein NS, Dabbs DJ, Hammond EH, Hewlett B, et al. Consensus recommendations on estrogen receptor testing in breast cancer by immunohistochemistry. 2008;16(6):513-20.
  2. Bonacho T, Rodrigues F, Liberal JJB, Histochemistry. Immunohistochemistry for diagnosis and prognosis of breast cancer: a review. 2020;95(2):71-91.

Call Now