DUNG NẠP MIỄN DỊCH VÀ HIỆN TƯỢNG TỰ MIỄN

Trong suốt cuộc đời, đại đa số chúng ta sẽ tiếp xúc với rất nhiều tác nhân gây bệnh từ môi trường. Tuy nhiên, không phải sự tiếp xúc nào cũng dẫn đến bệnh tật, cũng như các căn bệnh này thường không kéo dài mãi mãi. Cơ thể con người có khả năng đề kháng với bệnh tật. Khả năng đó gọi là miễn dịch, và hệ thống các phân tử, tế bào, mô, cơ quan tham gia vào quá trình đề kháng đó là hệ miễn dịch.

Hệ miễn dịch có chức năng chính là ngăn ngừa và loại bỏ các tác nhân xâm nhiễm. Có hai trường hợp mà các bất thường của hệ miễn dịch dẫn đến các tình trạng bệnh lý: thứ nhất là suy giảm miễn dịch và thứ hai là các bệnh tự miễn. Trong trường hợp thứ nhất, bệnh nhân mẫn cảm hơn với các tác nhân xâm nhiễm. Trong trường hợp thứ hai, hệ miễn dịch không phân biệt được giữa thành phần của cơ thể và thành phần ngoại lai, dẫn đến việc tấn công chính mô tự thân.

Một đặc điểm quan trọng của hệ miễn dịch là khả năng đáp ứng với tác nhân xâm nhiễm nhưng không phản ứng lại với các thành phần của cơ thể. Tính chất không phản ứng với tự thân này được gọi là dung nạp miễn dịch (immune tolerance). Thất bại trong dung nạp miễn dịch dẫn đến hiện tượng tự miễn. Hiện tượng này là cơ chế của các bệnh tự miễn, trong đó các tế bào của hệ miễn dịch tấn công chính mô của vật chủ và gây ra nhiều bệnh lý từ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Hệ miễn dịch gồm hai nhánh là miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng. Hiện tượng tự miễn chủ yếu liên quan đến các tế bào lympho thuộc nhánh miễn dịch thích ứng. Trong khi miễn dịch bẩm sinh là hàng rào phòng thủ đầu tiên chống lại vi sinh vật và có tính đặc hiệu với các lớp vi sinh vật khác nhau, miễn dịch thích ứng có tính đặc hiệu cao với các phân tử được gọi là “kháng nguyên”. Các kháng nguyên này rất đa dạng về cấu hình và được nhận diện chuyên biệt bởi thụ thể của các dòng tế bào lympho B và T. Trong đó, mỗi tế bào lympho mang thụ thể nhận điện đặc hiệu duy nhất một loại kháng nguyên.

Để có thể nhận diện được số lượng khổng lồ các kháng nguyên thuộc về các tác nhân gây bệnh cơ thể có khả năng nhiễm phải, thụ thể của các lympho bào không được chuẩn bị theo một “đơn đặt hàng” nào cả, tức không phải được sản xuất dựa trên kháng nguyên, mà được tạo ra ngẫu nhiên bằng cơ chế tái tổ hợp di truyền để hình thành một kho miễn dịch đa dạng sẵn sàng nhận diện nhiều loại kháng nguyên bất kỳ. Trong quá trình tái tổ hợp, không hề có một cơ chế nào nhằm ngăn chặn sự sản sinh ra các thụ thể nhận diện kháng nguyên tự thân. Dung nạp miễn dịch được đạt tới là nhờ các cơ chế phát hiện và loại bỏ hay bất hoạt các tế bào lympho mang thụ thể nhận diện kháng nguyên tự thân.

Tại cơ quan lympho trung tâm, nơi sản sinh ra các tế bào lympho, chúng sẽ được tiếp xúc với các kháng nguyên địa phương. Các tế bào mang thụ thể có ái lực cao với kháng nguyên tự thân sẽ bị chọn lọc và loại bỏ. Riêng các tế bào lympho B có thể trải qua quá trình chỉnh sửa thụ thể. Về tế bào lympho T, một số trong đó sẽ trở thành các tế bào điều hòa tham gia vào ức chế các tế bào lympho tự phản ứng. Các tế bào không phản ứng mạnh với kháng nguyên tự thân tại cơ quan lympho trung ương sau đó di chuyển đến các cơ quan lympho ngoại vi. Tại đây, quá trình chọn lọc sẽ tiếp tục diễn ra để loại bỏ các tế bào phản ứng với kháng nguyên tự thân (Hình 1).

Hình 1. Dung nạp miễn dịch trung tâm và ngoại vi đối với kháng nguyên tự thân [1]. Dung nạp trung tâm: các tế bào lympho chưa trưởng thành đặc hiệu với kháng nguyên tự thân có thể bắt gặp các kháng nguyên này trong các cơ quan sản sinh lympho (cơ quan lympho trung tâm) và bị xóa sổ; tế bào lympho B thay đổi tính đặc hiệu của mình (chỉnh sửa thụ thể); và một vài tế bào lympho T phát triển thành các tế bào T điều hòa. Một số tế bào lympho tự phản ứng có thể hoàn tất quá trình trưởng thành và đi vào mô ngoại vi. Dung nạp ngoại vi: các tế bào lympho tự phản ứng trưởng thành có thể bị bất hoạt hay xóa bỏ khi nhận diện kháng nguyên tự thân trong mô ngoại vi hay bị ức chế bởi tế bào T điều hòa.

Tuy nhiên, mặc cho sự chọn lọc sát sao của các cơ chế duy trì dung nạp miễn dịch, một lượng nhỏ các tế bào lympho có tiềm năng tự phản ứng vẫn có thể bị rò rỉ ngay cả trong cơ thể khỏe mạnh [2]. Sự hiện diện của các tế bào này hay khả năng sản sinh tự kháng thể của chúng không nhất thiết sẽ dẫn đến bệnh lý. Tự miễn có thể được phân loại thành tự miễn “sinh lý” và tự miễn “bệnh lý”. Tự miễn sinh lý thường thoáng qua và không có dấu hiệu lâm sàng. Khi dung nạp miễn dịch bị phá vỡ và tự kháng thể và các tế bào lympho tự phản ứng tham gia vào quá trình viêm, tự miễn bệnh lý sẽ phát sinh và cuối cùng dẫn đến tổn thương mô trong các bệnh tự miễn  (Hình 2, Hình 3).

Trong một công bố vào năm 2015, uớc tính có 3-5% dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh tự miễn. Tuy nhiên, những công bố gần đây đưa ra các bằng chứng cho thấy tỷ lệ tự miễn và các bệnh tự miễn đang gia tăng.

Hình 2. Sơ lược về sự phát triển của bệnh tự miễn.

Hình 3. Một số bệnh tự miễn tại các cơ quan khác nhau trong cơ thể

Tài liệu tham khảo

  1. Abul K. Abbas, A.H.H.L., Shiv Pillai, Basic Immunology: Functions and Disorders of the Immune System. 5th ed. 2015: Elsevier.
  2. Wang, L., F.S. Wang, and M.E. Gershwin, Human autoimmune diseases: a comprehensive update. J Intern Med, 2015. 278(4): p. 369-95.
  3. Miller, F.W., The increasing prevalence of autoimmunity and autoimmune diseases: an urgent call to action for improved understanding, diagnosis, treatment, and prevention. Current Opinion in Immunology, 2023. 80: p. 102266.

Call Now