CÁC XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN LAO PHỔI

Bệnh lao là lý bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh thường ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, đôi khi lây lan sang các cơ quan khác và mức độ thường nặng nề.

Vi khuẩn gây bệnh lao lây lan từ người này sang người khác qua những giọt nhỏ li ti thoát ra không khí qua ho và hắt hơi. Khi một người bình thường mắc phải, trên cơ địa suy yếu sức đề kháng, vi khuẩn sẽ tăng sinh và gây bệnh. Sự tổn thương các cơ quan do lao là không phục hồi.

1. Những xét nghiệm chẩn đoán lao phổi

1.1 Nhuộm soi tiêu bản đờm

  • Nguyên lý của kỹ thuật này là phương pháp nhuộm acid. Dựa vào đặc điểm vi sinh vật học của vi khuẩn lao là loại vi khuẩn có tính kháng acid.
  • Kết quả: Nếu soi thấy trực khuẩn kháng cồn kháng toan trong mẫu bệnh phẩm thì kết quả là dương tính.

1.2 Nuôi cấy vi khuẩn lao

Môi trường nuôi cấy vi khuẩn lao là môi trường giàu dinh dưỡng, có thể nuôi trong thạch đặc hoặc môi trường lỏng. Thời gian nuôi cấy khoảng 3 – 6 tuần đối với môi trường đặc và khoảng 2 tuần đối với môi trường lỏng. Nếu sau 2 tháng không thấy vi khuẩn mọc thì kết luận là âm tính.

1.3 Chụp X – quang phổi

Phương pháp này được áp dụng và cho kết quả khá tin cậy, có thể sử dụng trong lúc chờ kết quả của các phương pháp khác.

Các hình ảnh X – quang cho thấy bạn có thể đang bị lao phổi:

  • Có đám mờ không đồng đều ở các vùng của phổi.
  • Xuất hiện các hình hang (lao hang).
  • Những nốt, chấm nhỏ như hạt kê (lao kê).
  • Có một vài nốt to nhỏ khác nhau đường kính 3 – 10mm, mờ đậm không đều.

1.4 Phản ứng Tuberculin

Phản ứng tuberculin được dùng phổ biến là loại mantoux. Nguyên lý của phản ứng này là kiểm tra độ mẫn cảm của các tế bào lympho với PPD. Tuy nhiên do độ chính xác trong chẩn đoán chưa cao và hiện nay có nhiều phương pháp khác tối ưu hơn để thay thế nên hầu như không còn nơi nào thực hiện xét nghiệm này trong chẩn đoán nhiễm trực khuẩn Lao.

1.5 Các xét nghiệm lao phổi khác:

  • Xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction):  kỹ thuật khuếch đại gene để phát hiện gen của vi khuẩn Lao trong mẫu bệnh phẩm.
  • Xét nghiệm Quantiferon – TB.
  • Xét nghiệm máu: khi bị lao phổi, bệnh nhân có thể thiếu máu nhẹ, bạch cầu có thể giảm so với bình thường, tốc độ máu lắng tăng.

2. Các triệu chứng của bệnh lao phổi:

  1. Ho kéo dài: đây là triệu chứng hàng đầu trong nghi ngờ mắc lao phổi. Người bệnh ho kéo dài trên 3 tuần, có thể là ho khan, ho có đờm, hoặc ho ra máu.
  2. Khó thở, cảm giác đau ở vùng ngực.
  3. Sốt nhẹ, đổ mồ hôi trộm hoặc có thể vã mồ hôi, cảm giác ớn lạnh về chiều và đêm.
  4. Gầy còm, sút cân, suy nhược cơ thể, thiếu máu.

3. Các đối tượng nên tiến hành xét nghiệm lao phổi:

  1. Người bị nhiễm HIV hoặc các bệnh gây suy giảm miễn dịch khác.
  2. Người thường xuyên đi du lịch ở nhiều nơi.
  3. Người làm việc trong môi trường có hoặc nghi ngờ có chứa vi khuẩn lao: người nhà chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ, y tá,…
  4. Người bị bệnh gan, bệnh phổi: cũng như HIV, các bệnh liên quan đến gan, phổi sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lao xâm nhập và gây bệnh.

4.      Lưu ý khi xét nghiệm lao phổi

Mẫu bệnh phẩm của xét nghiệm lao bao gồm: dịch đờm, dịch họng, dịch đa màng như màng phổi, màng bụng,… đôi khi là máu. Do vậy bạn không cần quá lo lắng về các lưu ý khi đi xét nghiệm. Tuy nhiên hãy giữ cho răng miệng thật sạch sẽ, không hút thuốc lá vài ngày trước khi đi xét nghiệm, và hãy báo cho bác sĩ biết tình trạng sử dụng thuốc và dị ứng thuốc của bạn.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh lao?

Để phòng ngừa lao phổi, bạn cần phải:

  • Chủ động tiêm phòng vacxin bệnh lao để tạo miễn dịch chủ động chống bệnh lao.
  • Rửa tay thật sạch sau khi tiếp xúc với bệnh nhân lao.
  • Có thói quen đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và đặc biệt là tiếp xúc với người bệnh.
  • Chế độ ăn uống, tập luyện để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

DS. Đặng Đức Huy 

Call Now