• Trang chủ /
  • Tin tức
  • / Bệnh bạch hầu: Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp chẩn đoán

Bệnh bạch hầu: Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp chẩn đoán

Bệnh bạch hầu:

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng có khả năng gây tử vong chủ yếu do các chủng Corynebacterium diphtheriae sinh độc tố và đôi khi do các chủng C. ulceransC. pseudotuberculosis sinh độc tố gây ra. Bạch hầu, một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, đặc trưng bởi sự hình thành màng giả ở cổ họng, hoặc gây nhiễm trùng ngoài da. Các biến chứng toàn thân như viêm cơ tim và bệnh thần kinh, gây tăng nguy cơ tử vong, là do độc tố bạch hầu, một loại ngoại độc tố do vi khuẩn gây bệnh tạo ra, gây ức chế tổng hợp protein và gây chết tế bào.

Dịch tễ học

Dịch tễ học từ đợt dịch bùng phát

Mặc dù vắc-xin đã giúp giảm đáng kể số ca mắc bệnh trên toàn cầu, bệnh  bạch hầu vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các đợt bùng phát dịch thường xảy ra ở những nơi có điều kiện sống thiếu thốn, khó khăn. Ngoài ra, sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn mới cũng gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh từ gần 3.500 ca/năm 1983 xuống còn khoảng 10-50 ca/năm (giai đoạn 2004-2019). Tuy nhiên, năm 2020, tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh bạch hầu có xu hướng gia tăng trở lại với 226 ca mắc trong cùng kỳ năm, tập trung tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Năm 2023, ghi nhận 57 trường hợp nhiễm bệnh tại ba tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 5 ca mắc, 1 ca tử vong.

Dịch tễ học theo phương pháp phân tử

Phương pháp phân tử giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự lây lan, tiến hóa và các đặc điểm di truyền của vi khuẩn gây bệnh bạch hầu. Giúp xác định mối liên hệ giữa các chủng vi khuẩn, theo dõi sự lây lan của bệnh và phát hiện các đợt dịch bùng phát. Các phương pháp phân tử rất đa dạng như xác định kiểu gen ribotype, phân tích tính đa dạng về tổ hợp trình tự nhiều vùng gen (MLST), giải trình tự toàn bộ hệ gen (WGS) được sử dụng để phân tích gen của vi khuẩn. Với ưu điểm cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc, sự tiến hóa và sự đa dạng của các chủng vi khuẩn. Nhiều nghiên cứu đã xác định được các dòng vi khuẩn đặc trưng cho các đợt bùng phát ở các quốc gia khác nhau. Từ đó ứng dụng trong theo dõi dịch bệnh, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng chống và phát triển các chiến lược kiểm soát bệnh.

Cơ chế gây bệnh

Corynebacterium spp. là loài thường trú trong mũi nhưng có thể gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi. Vi khuẩn sử dụng các pili và các protein bề mặt khác để bám dính vào tế bào vật chủ, xâm nhập vào tế bào, sản xuất độc tố và gây tổn thương tế bào. Độc tố bạch hầu (DT) là yếu tố độc lực chính, gây ức chế tổng hợp protein của tế bào vật chủ, dẫn đến chết tế bào, độc tố này có thể lan rộng trong máu, gây tổn thương tim, thần kinh (Hình 1). Ngoài ra, các yếu tố khác như haemagglutinin, phospholipase D, góp phần vào quá trình gây bệnh.

Hình 1: Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn bạch hầu

Bên cạnh đó, quá trình gây bệnh phụ thuộc nhiều yếu tố như loài vi khuẩn: (C. diphtheriae, C. ulcerans, C. pseudotuberculosis), các yếu tố độc lực, điều kiện môi trường (hàm lượng sắt, sự hiện diện của các yếu tố miễn dịch); sức đề kháng của hệ miễn dịch, bệnh lý nền kèm theo. Các yếu tố như không tiêm chủng, suy giảm hệ thống miễn dịch, điều kiện sống trong môi trường vệ sinh kém, có tiếp xúc với người bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Biểu hiện lâm sàng

Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 1 đến 10 ngày, trung bình 2-5 ngày. Những người bị nhiễm C. diphtheriae mặc dù không có triệu chứng, vẫn có khả năng lây nhiễm trong tối đa 4 tuần. Đường lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương trên da hoặc tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải dịch tiết đường miệng hoặc đường hô hấp trong không khí. Bệnh bạch hầu thường có các triệu chứng điển hình là viêm họng giả mạc, xuất hiện màng giả màu trắng xám trên amidan, có thể lan rộng ra toàn bộ họng, sưng hạch bạch huyết ở cổ, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh. Cùng với đó là các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, khó nuốt. (Hình 2).

Hình 2: Các triệu chứng lâm sàng của bệnh bạch hầu

  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ (cổ bò); (b) Màng giả dày ở thành sau họng; (c) tổn thương da do Corynebacterium diphtheriae gây ra.

Chẩn đoán vi sinh vật

Nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng là tiêu chuẩn vàng để phân lập và định danh  mẫu Corynebacterium spp. Mẫu bệnh phẩm được lấy từ các vị trí nghi ngờ nhiễm khuẩn như họng, mũi, các tổn thương như màng giả đem nuôi cấy trên thạch máu, thạch tellurite hoặc môi trường Löffler. Mỗi loại vi khuẩn sẽ tạo ra khuẩn lạc có hình dạng, màu sắc đặc trưng trên các loại môi trường khác nhau. Sau khi chọn các khúm khuẩn nghi ngờ tiến hành định danh sơ bộ bằng các thử nghiệm sinh hóa, nhuộm Gram, Nhuộm Albert thông qua khả năng sử dụng các chất dinh dưỡng, hình dạng, màu sắc và các hạt volutin đặc trưng của vi khuẩn Corynebacterium. Nhằm định danh chính xác vi khuẩn có thể sử dụng phương pháp MALDI-TOF kết hợp xét nghiệm Elek hoặc PCR/ realtime PCR giúp phát hiện độc tố của vi khuẩn.

Xét nghiệm Elek, còn được gọi là kỹ thuật miễn dịch khuếch tán (miễn dịch kết tủa), hoạt động dựa trên nguyên tắc kết tủa miễn dịch giữa kháng nguyên và kháng thể ở các chủng sinh độc tố của Corynebacterium spp. Trong xét nghiệm này, một chủng sinh độc tố đã biết trước (chứng dương), một chủng không sinh độc tố (chứng âm) và các mẫu bệnh phẩm được cấy vào môi trường thạch Elek với một đĩa/dãi giấy chứa kháng độc tố bạch hầu (DAT) được đặt trên bề mặt thạch (Hình 3).

Hình 3: Kết quả xét nghiệm Elek  (a) Trong xét nghiệm Elek thông thường, các khuẩn lạc vi khuẩn trải trên một đĩa vuông góc với một dải giấy chứa kháng độc tố bạch hầu (DAT). Nếu vi khuẩn sản xuất độc tố bạch hầu (DT), DAT khuếch tán từ giấy sẽ tạo ra một vạch kết tủa tại vùng tương ứng. Sự xuất hiện của vạch kết tủa cho biết mẫu bệnh phẩm đã tạo ra DT phản ứng với DAT. (b) Xét nghiệm Elek có tùy chỉnh, vi khuẩn được nuôi cấy xung quanh một đĩa DAT (10 IU/đĩa) được đặt ở giữa đĩa. Để có kết quả rõ ràng, khoảng cách tối ưu giữa vị trí cấy khuẩn và đĩa DAT phải là 9 mm. Các chủng (NCTC) 3984 (dương tính yếu, ±) và NCTC 10648 (dương tính mạnh, ++) là các chủng đối chứng dương tính, và NCTC 10356 (âm tính, –) là đối chứng âm tính luôn được thực hiện song song.

PCR được coi là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để định danh cụ thể loài Corynebacterium sp..hoặc xét nghiệm các mẫu lâm sàng từ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu nhằm tìm sự hiện diện của độc tố  dựa trên gen 16S rRNA, gen rpoB, gen tox. Bên cạnh đó, các xét nghiệm đồng ngưng kết, xét nghiệm huyết thanh học có hữu ích để phát hiện độc tố trong mẫu huyết thanh và loài C. diphtheriae sinh độc tố.

Phòng ngừa

Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu. Vắc-xin DTP là loại vắc-xin kết hợp, chứa kháng nguyên của các bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà được sử dụng rộng rãi ở trẻ em. Tuy nhiên vắc-xin này chỉ phòng ngừa bệnh do độc tố bạch hầu gây ra, không ngăn ngừa nhiễm trùng do các loại vi khuẩn Corynebacterium khác, trẻ em dưới 6 tháng tuổi được tiêm vắc-xin theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin DTP toàn cầu đã tăng đáng kể, nhưng vẫn còn bộ phận chưa được tiêm chủng đầy đủ. Để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh bạch hầu, cần tăng cường tỉ lệ tiêm chủng; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tiêm chủng; cập nhật thông tin về vắc-xin cho cộng đồng và tiếp tục nghiên cứu, phát triển các loại vắc-xin mới hiệu quả hơn.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị bệnh bạch hầu tập trung vào việc trung hòa độc tố, tiêu diệt vi khuẩn bằng kháng sinh và hỗ trợ điều trị các triệu chứng mắc phải:

  • Dùng kháng độc tố bạch hầu (DAT): là phương pháp điều trị quan trọng nhất, giúp trung hòa độc tố đang lưu hành trong cơ thể, ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng. DAT nên được sử dụng càng sớm càng tốt, ngay cả trước khi có kết quả xét nghiệm định danh vi khuẩn.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: các loại kháng sinh như penicillin, erythromycin, azithromycin để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Liệu trình điều trị bằng kháng sinh thường kéo dài ít nhất 2 tuần.
  • Điều trị hỗ trợ:
    • Điều trị triệu chứng: Giảm đau, hạ sốt, hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng…
    • Theo dõi biến chứng: Đặc biệt là viêm cơ tim, viêm dây thần kinh.
    • Bổ sung carnitine: Giúp cải thiện chức năng tim.

ThS. Trần Thị Mỹ Qui – K. KTXNYH (Tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

  1. Sharma, N.C., Efstratiou, A., Mokrousov, I. et al. Nat Rev Dis Primers 5, 81 (2019).
  2. De Zoysa, A., Efstratiou, A., Mann, G., Harrison, T. G. & Fry, N. K. Development, validation and implementation of a quadruplex real-time PCR assay for identification of potentially toxigenic corynebacteria. Med. Microbiol. 65, 1521–1527 (2016).
  3. Indumathi, V. A., Shikha, R. & Suryaprakash, D. R. Diphtheria-like illness in a fully immunised child caused by Corynebacterium pseudodiphtheriticum. Indian J. Med. Microbiol. 32, 443–445 (2014).

Call Now