THỰC TRẠNG BỆNH THẬN ĐANG DẦN TRẺ HÓA TẠI VIỆT NAM

Bệnh thận là gì và tỷ lệ người mắc bệnh tại Việt Nam?

Thận là một cơ quan quan trọng của cơ thể với vai trò chính là làm sạch máu và loại bỏ chất thải qua nước tiểu. Khi chức năng của thận suy giảm, các chất thải có thể tích tụ trong cơ thể, gây ra nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe. Tình trạng này, được gọi là bệnh thận, nó phản ánh sự suy giảm chức năng thận theo thời gian. Khi bệnh thận tiến triển đến mức nghiêm trọng, nó có thể trở thành suy thận. Bệnh thận cấp tính xảy ra khi chức năng thận có thể hồi phục trong vòng ba tháng. Ngược lại, bệnh thận mãn tính là khi chức năng thận bị suy giảm trong khoảng thời gian dài hơn ba tháng. Trong các dạng bệnh thận, bệnh thận mãn tính là phổ biến nhất. Bệnh này được chia thành năm giai đoạn. Giai đoạn 1 thường nhẹ nhất và khó phát hiện do không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển theo thời gian dẫn đến suy thận ở những giai đoạn sau.

Theo Tiến sĩ Bác sĩ Trần Văn Vũ, Phó trưởng Khoa Nội thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày khoa này điều trị cho trên 100 bệnh nhân nội trú và khám cho khoảng 300-400 bệnh nhân ngoại trú. Trong số đó có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, đặc biệt có những em chỉ mới 16 tuổi. Trong những năm gần đây, tình trạng bệnh thận tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng và đặc biệt đáng lo ngại là sự trẻ hóa trong độ tuổi mắc bệnh. Nếu trước đây, bệnh thận chủ yếu xuất hiện ở những người trung niên hoặc cao tuổi, thì hiện nay, nhiều người trẻ tuổi, thậm chí cả học sinh, sinh viên cũng đã phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này và Tỷ lệ những người từ 18 đến 30 tuổi mắc bệnh thận ngày càng tăng, hiện chiếm từ 20% đến 30%.

Hình 1. Tình hình trẻ hóa ở bệnh nhân mắc bệnh thận.

Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến bệnh thận ngày càng phổ biến ở người trẻ tại Việt Nam:

  1. Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Sử dụng quá nhiều muối, đường, đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản.
  • Tiêu thụ ít nước, làm suy giảm chức năng lọc của thận.
  • Uống nhiều nước ngọt có gas, trà sữa, bia rượu gây hại cho hệ tiết niệu.
  1. Lối sống thiếu khoa học
  • Thức khuya và thiếu ngủ làm suy yếu hệ miễn dịch và ảnh hưởng đến hoạt động của thận.
  • Thiếu vận động và ít tập thể dục làm tuần hoàn máu kém và tăng nguy cơ các bệnh mãn tính liên quan đến thận.
  • Căng thẳng kéo dài và stress ảnh hưởng đến huyết áp, dễ dẫn đến bệnh thận.
  1. Lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng
  • Dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm và thuốc không kê đơn trong thời gian dài gây hại cho thận.
  • Sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc tăng cơ, tăng cân không rõ nguồn gốc hoặc không theo hướng dẫn y tế.
  1. Sử dụng chất kích thích
  • Rượu, bia, thuốc lá và ma túy đều ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng gan, thận và hệ bài tiết.
  1. Các bệnh nền không được kiểm soát tốt
  • Tiểu đường, cao huyết áp và béo phì xuất hiện nhiều ở người trẻ và có nguy cơ dẫn đến suy thận nếu không được điều trị đúng cách.

Hình 2. Những nguyên nhân chính gây mắc bệnh thận ở người trẻ tuổi.

Các dấu hiệu giúp phát hiện sớm bệnh thận

  1. Tiểu tiện bất thường
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày, đặc biệt vào ban đêm.
  • Tiểu ít, gặp khó khăn khi đi tiểu, hoặc cảm giác buốt rát.
  • Nước tiểu có bọt, màu đục, tối hoặc có thể lẫn máu.
  1. Phù nề
  • Phù ở chân, mắt cá, bàn chân, hoặc quanh mắt (nhất là vào buổi sáng).
  • Phù do thận thường không đau, nhưng kéo dài và dễ tái phát.
  1. Mệt mỏi, uể oải
  • Cảm giác mệt mỏi lâu dài, thiếu năng lượng, khó tập trung dù đã nghỉ ngơi đủ.
  • Do chức năng lọc máu của thận bị suy giảm, dẫn đến tích tụ độc tố trong cơ thể.
  1. Chán ăn, buồn nôn
  • Ăn không ngon, cảm giác đầy bụng, buồn nôn không rõ nguyên nhân.
  • Đây là dấu hiệu khi chức năng thận bị tổn thương và không thể thải chất độc hiệu quả.
  1. Hơi thở có mùi hôi (mùi “kim loại”)
  • Một số người bệnh thận có hơi thở có mùi lạ, do ure tích tụ trong máu và thoát ra qua miệng.
  1. Ngứa da, da khô
  • Ngứa toàn thân hoặc ở một số vùng da khô do mất cân bằng khoáng chất khi chức năng thận suy giảm.
  1. Huyết áp cao
  • Huyết áp cao có thể là nguyên nhân và hậu quả của bệnh thận.
  • Nếu bạn còn trẻ mà bị huyết áp cao sớm, cần kiểm tra chức năng thận ngay.
  1. Chuột rút cơ bắp, co giật nhẹ
  • Thiếu hụt canxi, natri hoặc mất cân bằng điện giải do thận gây ra tình trạng co giật cơ.

Các dấu hiệu trên không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy, nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu nào kéo dài bất thường, nên đi khám sớm và thực hiện xét nghiệm nước tiểu, máu và siêu âm thận để kiểm tra.

Hình 3. Những dấu hiệu sớm của bệnh thận.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh thận?

Để phòng ngừa bệnh thận, đặc biệt là bệnh thận mãn tính, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả sau đây:

  1. Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây tổn thương thận. Hãy giữ huyết áp trong khoảng dưới 130/80 mmHg nếu bạn có nguy cơ cao.
  2. Kiểm soát đường huyết với người bị tiểu đường: Tiểu đường là nguyên nhân phổ biến thứ hai dẫn đến bệnh thận. Thường xuyên kiểm tra đường huyết và tuân thủ chế độ ăn uống cùng chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
  3. Uống đủ nước: Tiêu thụ khoảng 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày, tùy thuộc vào thể trạng và mức độ hoạt động của bạn. Tránh uống quá nhiều nước nếu không cảm thấy khát.
  4. Hạn chế ăn mặn: Dùng nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và gây hại cho thận. Nên giới hạn muối tiêu thụ dưới 5g mỗi ngày.
  5. Tránh lạm dụng thuốc giảm đau: Các loại thuốc như NSAIDs có thể gây tổn thương thận nếu được sử dụng trong thời gian dài hoặc không đúng liều lượng.
  6. Duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục đều đặn: Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường và huyết áp cao. Hãy cố gắng tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
  7. Không hút thuốc và hạn chế rượu bia: Hút thuốc có thể làm tổn thương mạch máu, bao gồm cả mạch máu ở thận, trong khi uống nhiều rượu bia cũng ảnh hưởng đến huyết áp và chức năng thận.
  8. Khám sức khỏe định kỳ: Nên thực hiện kiểm tra chức năng thận qua xét nghiệm máu và nước tiểu ít nhất mỗi năm, đặc biệt khi bạn có các yếu tố nguy cơ.

TLTK:

1. Mayo Clinic. (2023). Chronic kidney disease. Retrieved from Mayo Clinic: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-kidney-disease/symptoms-causes/syc-20354521#:~:text=Nausea%20and%20vomiting%2C%20muscle%20cramps,also%20happen%20in%20other%20disorders.

2. Sơn, T. (2024, 03 30). Bệnh suy thận mạn gia tăng nhanh và trẻ hóa. Retrieved from Sài Gòn Giải Phóng Online: https://www.sggp.org.vn/benh-suy-than-man-gia-tang-nhanh-va-tre-hoa-post733038.html

Nguyễn Thanh Nga – K.KTXNYH

Call Now