Adeno Virus và những điều cần biết

NTT –  Adenovirus được biết đến là nguyên nhân gây nên các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đây là một bệnh virus cấp tính và có những triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Những người có sức đề kháng kém, suy giảm hệ miễn dịch, đặc biệt là trẻ em, người già và người có bệnh mạn tính sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh Adenovirus cao hơn.

  1. Nguy Cơ Bệnh dịch

Tính đến ngày 12/9, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 412 ca, tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong.

Đây là một căn bệnh truyền nhiễm vô cùng phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, mắc Adenovirus và bệnh cảm cúm, hô hấp có những triệu chứng khởi phát giống nhau nhất định, bởi vậy không tránh khỏi sự nhầm lẫn trong quá trình xác định bệnh.

  1. Adenovirus lây qua đường nào?

Virus Adeno có thể lây nhiễm, thậm chí lây lan nhanh trong cộng đồng.

Con đường lây nhiễm chủ yếu của loại virus này chính là đường giọt bắn, đường hô hấp khi tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp với người bệnh. Khi bơi lội hay dùng chung nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm với người người bệnh cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus. Bên cạnh đó, dùng chung các đồ dùng cá nhân với người nhiễm virus cũng có thể khiến trẻ bị lây bệnh.

Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng lây lan của Adenovirus:

  • Đặc tính của virus Adeno: Sức sống của loại virus này khá tốt. Chúng có thể tồn tại khoảng 30 ngày nếu sống trong nhiệt độ phòng. Trong điều kiện 40 độ C, virus có thể sống trong nhiều tháng. Thậm chí với điều kiện -200 độ C, thời gian sống của virus Adeno có thể tính bằng năm. Virus có thể nhân lên sau khoảng 30 giờ xâm nhập vào cơ thể người.
  • Thời gian tồn tại lâu trong môi trường cùng với khả năng nhân lên cao, khiến virus càng dễ dàng lây lan nhanh trong cộng đồng. Tuy nhiên, ở nhiệt độ 56 độ C, chúng có thể mất độc lực và bị tiêu diệt trong khoảng từ 3 đến 5 phút.

  1. Biểu hiện bệnh

Khác với hô hấp, cảm cúm thông thường, virus Adeno – đặc biệt là Adenovirus nhóm B có khả năng gây bệnh không chỉ các cơ quan hô hấp mà còn ở nhiều cơ quan trong cơ thể con người. Khi nhiễm Adenovirus, người bệnh thường có những biểu hiện bệnh như sau:

  • Viêm đường hô hấp cấp: Người bệnh có biểu hiệu sưng họng, đau họng, ho, hạch cổ bạch huyết sưng đau, sốt cao. Bệnh diễn biến cấp tính, thường kéo dài từ 3-4 ngày, trường hợp trầm trọng có thể dẫn đến viêm phổi.
  • Viêm họng cấp: Bệnh thường phát hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện như viêm họng, ho, sốt, chảy nước mũi. Viêm họng cấp do Adenovirus gây nên thường kéo dài từ 7-14 ngày và có thể lây lan nhanh thành dịch.
  • Viêm họng kết mạc: Ngoài những triệu chứng như viêm họng cấp, người mắc viêm họng kết mạc còn có dấu hiệu mắt đỏ, chảy dịch trong, thường không đau.
  • Viêm phổi: Người bệnh sốt cao đột ngột, ho, sổ mũi, các dấu hiệu tổn thương ở phổi xuất hiện và có thể lan rộng, để lại các di chứng nguy hiểm. Mắc viêm phổi do Adenovirus có thể gây tử vong với tỷ lệ từ 8-10%.
  • Bệnh viêm kết mạc mắt
  • Viêm dạ dày, viêm ruột do Adenovirus thường gặp ở trẻ nhỏ, người bệnh có biểu hiện tiêu chảy kéo dài khoảng 7 ngày, sốt, đau đầu, buồn nôn, viêm kết mạc. Virus gây bệnh ở đường tiêu hoá và được đào thải trong phân.
  • Viêm bàng quang: Adenovirus chính là nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang ở trẻ em. Virus có thể được tìm thấy trong nước tiểu, niệu đạo và tử cung của người bệnh.
  • Viêm gan : Theo báo cáo, giới chức y tế Anh và Mỹ nghi ngờ Adenovirus có thể là nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Thời gian gần đây, phần lớn những trẻ có biểu hiện viêm gan đều mắc Adenovirus, trong đó đã có những trường hợp tử vong.

Adenovirus có khả năng gây bệnh đường hô hấp nhưng cũng có thể gây viêm kết mạc, viêm dạ dày – ruột, viêm bàng quang. Vì vậy, Adenovirus có thể lây bệnh không chỉ qua đường hô hấp mà còn có thể cả khi quan hệ tình dục không an toàn.

A woman coughing
  1. Chuẩn Đoán

Nếu chỉ chẩn đoán virus Adeno thông qua triệu chứng thì có thể nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp do các virus khác gây ra. Adenovirus có thể được chẩn đoán chính xác bằng việc thực hiện các xét nghiệm phát hiện virus trong mẫu bệnh phẩm hoặc phát hiện các kháng nguyên (chất cụ thể mà virus tạo ra).

Có thể chẩn đoán virus Adeno bằng 2 phương pháp sau:

  • Test nhanh bằng mẫu bệnh phẩm phân
  • Test Realtime PCR mẫu bệnh phẩm dịch tỵ hầu

  1. Hướng dẫn điều trị

Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adenovirus. Phần lớn các thuốc điều trị bệnh hiện nay đều là thuốc điều trị triệu chứng, kết hợp nâng cao thể trạng cơ thể và vitamin C. Bệnh có thể khỏi sau vài ngày nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu người bệnh gặp một số vấn đề nhiễm trùng như đau mắt đỏ, viêm phổi, bệnh có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn.

Trẻ mắc bệnh nên uống nhiều nước, vì thông thường trẻ bị mất nhiều nước do sốt, nôn mửa, tiêu chảy. Lựa chọn tốt nhất để trẻ bù nước là nước trái cây, nước lọc, có thể cho trẻ sử dụng thêm điện giải.

Phụ huynh cho trẻ xì mũi thường xuyên. Với trẻ sơ sinh, CDC khuyến nghị người nhà nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi bé, sau đó hút mũi bằng 1 chiếc xi lanh. Phụ huynh có thể bật máy tạo độ ẩm, phun sương để làm dịu tắc nghẽn ở mũi, giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn.

Lưu ý, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, phụ huynh cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ. Các chuyên gia khuyến cáo không nên cho trẻ sử dụng thuốc chứa aspirin vì có thể dẫn đến tình trạng hiếm gặp như hội chứng Reye gây sưng phù não và gan, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và khả năng hồi phục.

6. Cách phòng chống bệnh

  • Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Cung cấp cho nhân dân những thông tin cần thiết về bệnh do vi rút adeno, nhất là khi có nguy cơ bùng nổ dịch và khi có dịch để nhân dân biết tự phòng tránh cho mình và cho cộng đồng.
  • Vệ sinh phòng bệnh:
  • Có nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt. Trong mùa mưa, lũ lụt phải thau rửa và khử trùng nước giếng bằng chloramin B.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không dùng chung khăn mặt và thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng.
  • Thường xuyên giám sát và kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường tại các bể bơi công cộng.
  • Bệnh do Adenovirus dễ dàng lây nhiễm ở các phòng khám bệnh, đặc biệt là phòng khám mắt. Do vậy, các nhân viên y tế hay khách hàng đến khám chữa bệnh cần chú ý sát khuẩn thường xuyên tay, tránh đưa lên mắt, mũi, miệng để giảm khả năng lây nhiễm bệnh.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất để tăng sức đề kháng, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu, trẻ em, người già và người mắc các bệnh mạn tính.

Nguyễn Duy Thống – Khoa KTXNYH

Nguồn:

https://vncdc.gov.vn/a-de-no-virut-nd13612.html

https://medlatec.vn/tin-tuc/phan-biet-dau-hieu-mac-adenovirus-voi-benh-cam-cum-ho-hap-thong-thuong-s153-n29997

https://vnvc.vn/adenovirus/

Call Now