CHẾ ĐỘ ĂN CHO NGƯỜI TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là một bệnh mãn tính nguy hiểm. Thường xuất hiện ở những người cao tuổi, nhưng trong khoảng những năm gần đây bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh thường phát triển âm thầm, nhưng để lại biến chứng vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay ngoài dùng thuốc thì tăng huyết áp có thể được khống chế bởi một chế độ ăn hợp lý.

  1. Tổng quan về tăng huyết áp

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm tống máu đi quá cao. Nếu áp lực này tăng lên cao theo thời gian, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có thể chẩn đoán tăng huyết áp chính thức nếu:

  • Huyết áp động mạch tối đa (huyết áp tâm thu) trên 160mmHg
  • Huyết áp động mạch tối thiểu (huyết áp tâm trương) trên 95mmHg
  • Tăng huyết áp “giới hạn” nếu huyết áp động mạch tối đa từ 140-160mmHg và huyết áp tối thiểu từ 90-95mmHg
  1. Mối liên quan giữa chế độ ăn và tăng huyết áp

Ngoài các yếu tố tiền sử về gia đình. Thì bệnh tăng huyết áp gắn liền với chế độ ăn uống.

2.1. Lượng muối ăn vào và huyết áp động mạch

Một chế độ ăn nhiều muối (natri) sẽ gây ra tăng huyết áp. Trong điều kiện bình thường các hormon và thận cùng phối hợp điều hòa việc thải natri, để cân bằng với natri ăn vào. Ứ natri diễn ra khi natri ăn vào quá mức điều chỉnh. Trong điều kiện ứ natri, hệ thống động mạch có thể tăng nhạy cảm hơn với angiotensin II và noradrenalin. Tế bào cơ trơn tiểu động mạch ứ natri sẽ ảnh hưởng tới độ thấm của calci qua màng, do đó làm tăng khả năng co thắt tiểu động mạch. Tăng huyết áp do ứ natri cũng có thể do yếu tố di truyền.

Theo kết quả nghiên cứu của Phan Thị Kim và cộng sự (Viện Dinh Dưỡng – 1988) cho thấy: Thực hiện chế độ ăn giảm muối 4-6g Nacl/ngày thì sau một tháng huyết áp tâm trương giảm trung bình 20mmHg và huyết áp tâm thu giảm trung bình 30mmHg ở người mắc bệnh tăng huyết áp.

2.2. Lượng Kali ăn vào và huyết áp động mạch

Năm 1980, thế giới tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng của Kali đến huyết áp động mạch. Nhiều công trình đã khẳng định rằng chế độ ăn giàu kali sẽ làm giảm huyết áp. Công trình đầu đầu tiên của Osamu và Holly (1981) rồi đến Magregor (1982), Richard A.M (1984).

2.3. Chất béo và tăng huyết áp

Ăn nhiều mỡ động vật dẫn đến hậu quả là tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch. Ở những quần thể có cholesterol máu trung bình thấp, thì tỷ lệ xơ vữa động mạch thấp (WHO 1982). Huyết áp tăng có tác dụng đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, ngược lại khi bị xơ vữa động mạch cũng làm tăng huyết áp, đặc biệt là khi các mảng xơ vữa làm tắc động mạch thận. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy giảm số chất béo từ 38-40% xuống 20-25% năng lượng hoặc tăng tỷ số acid béo không bão hòa từ 0,2 lên 1 có tác dụng hạ huyết áp.

2.4. Rượu và tăng huyết áp

Uống rượu quá mức gây tăng huyết áp, giảm hiệu lực của thuốc nếu phải đang điều trị tăng huyết áp bằng thuốc, cũng như có thể phát sinh các phản ứng chéo với thuốc.

Bên cạnh đó, tuy một số cuộc nghiên cứu cho thấy, rượu vang đỏ có nhiều chất chống các gốc tự, là các chất có trong cơ thể và gây hại đối với sức khỏe, nên việc uống rượu vang đỏ một lượng nhỏ mỗi ngày có thể có lợi phòng ngừa bệnh mạch vành; nhưng nếu lạm dụng quá mức sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Để hạn chế bệnh tim mạch nói chung với người bình thường, chúng ta nên giới hạn rượu bia hoặc chất có cồn không quá ba cốc một ngày với nam hoặc không quá hai cốc một ngày với nữ (một cốc chuẩn tương đương ¼ lít bia hoặc 100ml rượu vang, hoặc 20ml rượu nặng). Đối với những người dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp, uống rượu quá mức hoặc nghiện rượu làm mất tác dụng của thuốc, trong tình huống đó nhất thiết phải bỏ rượu.

  1. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn phòng bệnh tăng huyết áp

Một chế độ ăn lành mạnh của người tăng huyết áp cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

  • Ăn giảm muối hơn bình thường (dưới 6g/ngày)
  • Người bị tăng huyết áp cần hạn chế calo trong trường hợp thừa cân, béo phì
  • Giảm bớt lipid (khoảng 25g/ngày) nhất là khi có dấu hiệu xơ vữa động mạch, tăng cường sử dụng các acid béo không no từ nguồn cá và dầu thực vật, các hạt có dầu
  • Protein giữ mức 60g/ngày, nên ăn nhiều protein thực vật
  • Glucid từ 300-500g/ngày chú ý ăn: các loại hạt ngũ cốc như gạo tẻ, gạo nếp, khoai. Dùng ít các loại đường (mỗi ngày không quá 20g)
  • Ăn nhiều rau xanh và trái cây để tăng nguồn kali và vitamin, đặc biệt các loại rau giàu vitamin C, E, beta caroten.
  • Lượng nước uống vừa đủ
  • Không hút thuốc, uống rượu

Tăng huyết áp, một bệnh đã xuất hiện từ lâu và thường rơi vào nhóm tuổi từ 50-60 tuổi. Nhưng dạo gần đây xu hướng của bệnh ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do lối sống công nghiệp thích hưởng thụ của phần đông bộ phận giới trẻ. Nhưng hiện nay bệnh này có thể điều trị bằng một chế độ ăn uống hợp lý và một cường độ tập luyện thích hợp cho cơ thể.

ThS. Lê Thị Thanh Nhàn – Khoa KTXNYH (Tổng hợp) 

Tài liệu tham khảo

  1. Khôi, H. H. (2012). Dinh Dưỡng Hợp Lý Và Sức Khỏe. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Y Học Hà Nội.
  2. Lợi, Đ. D., Sơn, P. T., & Quang, N. N. (2008). TĂNG HUYẾT ÁP. Hà Nội: NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC HÀ NỘI.

 

 

Call Now