ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: TRIỆU CHỨNG VÀ HƯỚNG TIẾP CẬN CHẨN ĐOÁN

  1. Tổng quan bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu kéo dài do thiếu hụt insulin, đề kháng insulin hoặc kết hợp cả hai. Tình trạng tăng đường huyết kéo dài gây tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2021 có khoảng 537 triệu người trên thế giới sống chung với bệnh này, và con số có thể lên tới 783 triệu vào năm 2045 nếu không có biện pháp can thiệp. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ĐTĐ ngày càng gia tăng, hiện dao động từ 6–7% ở người trưởng thành.

Hình 1. Tỉ lệ mắc đái tháo đường năm 2021

  1. Triệu chứng và biến chứng

Bệnh ĐTĐ có thể diễn tiến âm thầm và không có biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, một số triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Khát nước nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi kéo dài, nhìn mờ, vết thương lâu lành
  • Nhiễm trùng tiểu và da tái phát

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Biến chứng tim mạch: tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ
  • Biến chứng thận: dẫn đến suy thận mạn, cần lọc máu
  • Biến chứng mắt: gây mù lòa do tổn thương võng mạc
  • Biến chứng thần kinh: tê bì, mất cảm giác, loét chân
  • Biến chứng ở thai kỳ: tăng nguy cơ tiền sản giật, thai to, đẻ khó

 

Hình 2. Biến chứng của bệnh đái tháo đường

 

  1. Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Đái tháo đường không chỉ là bệnh về sinh học mà còn gây ra gánh nặng tâm lý và xã hội. Người bệnh phải thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, theo dõi đường huyết liên tục và tuân thủ điều trị suốt đời. Những biến chứng như loét bàn chân, phải cắt cụt chi hay chạy thận nhân tạo ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày, đồng thời làm tăng chi phí y tế đáng kể.

  1. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ĐTĐ

Để chẩn đoán đái tháo đường, các xét nghiệm thường dùng gồm:

  • Glucose huyết tương lúc đói ≥ 7,0 mmol/L (126 mg/dL)
  • Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose ≥ 11,1 mmol/L (200 mg/dL)
  • HbA1c ≥ 6,5% – phản ánh đường huyết trung bình trong vòng 2–3 tháng
  • Glucose huyết bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L nếu có triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết

Hình 3. Xét nghiệm HbA1c – công cụ đánh giá đường huyết trung bình trong 2–3 tháng

Trong thực hành lâm sàng, HbA1c được ưa chuộng vì ít biến động theo thời gian trong ngày và không cần nhịn ăn. Tuy nhiên, kết quả HbA1c có thể không chính xác trong một số trường hợp như thiếu máu, bệnh hemoglobin, hoặc khi dùng các thuốc ảnh hưởng đến đời sống hồng cầu.

Tài liệu tham khảo:

[1] International Diabetes Federation. IDF Diabetes Atlas, 10th Edition. 2021.

[2] Bộ Y tế Việt Nam. Báo cáo công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm năm 2020
[3] American Diabetes Association. Diagnosis and Classification of Diabetes: Standards of Care in Diabetes-2024. Diabetes Care. 2024;47(Suppl 1): S20-S42

Lê Thị Thanh Nhàn – K.KTXNYH

Call Now