DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI THIẾU MÁU THIẾU SẮT

 Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì những nguyên nhân khác nhau.Thiếu máu do nguyên nhân thiếu sắt thường gặp ở Việt Nam, bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý, chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cũng là nguyên nhân thường gặp ở Việt Nam. Dinh dưỡng phù hợp sẽ ngăn ngừa nguy cơ cũng như cải thiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt.

Hình 1. Sắt có vai trò quan trọng trong sản xuất hồng cầu
  1. Nguyên nhân của thiếu máu thiếu sắt

Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu sắt và được phân loại theo 3 nhóm như sau:

Không cung cấp đủ nhu cầu sắt

  • Nhu cầu về sắt tăng lên đối với trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú…
  • Chế độ ăn thiếu sắt: Chế độ ăn uống không cân đối, ăn kiêng, người nghiện rượu, người già,…
  • Sử dụng một số thực phẩm làm giảm hấp thu sắt như tanin, cà phê, nước uống có ga,…
  • Cơ thể bị giảm hấp thu sắt do mắc một số bệnh lý như Viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột,…

Mất máu cấp hoặc mạn tính gây thất thoát sắt trong cơ thể

  • Tình trạng kinh nguyệt không đều, rối loạn, u xơ tử cung,…
  • Các bệnh lý đường tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng, trĩ, nhiễm ký sinh trùng (giun móc),…
  • Các tình trạng mất máu cấp và mạn tính khác.

Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh (Hypotransferrinemia):

Xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được transferrin vận chuyển sắt. Bệnh rất hiếm gặp,nó dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho gan, tim, xương khớp như suy tim, đau xương khớp, tiểu đường…

  1. Dinh dưỡng cho người thiếu máu thiếu sắt

Ngoài việc bổ sung sắt và điều chỉnh liều lượng tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của tưng cá nhân, cần bổ sung sắt qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. Một nguồn sắt tốt là nguồn sắt chứa một lượng sắt đáng kể liên quan tới hàm lượng calo của nó và đóng góp ít nhất 10% lượng sắt trong chế độ dinh dưỡng được khuyến nghị.

2.1. Nguyên tắc

Người lớn : Đảm bảo ăn cân đối và đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, cân đối giữa protein động vật và thực vật. Cải thiện chất lượng bữa ăn đảm bảo cung cấp đủ chất sắt theo nhu cầu khuyến nghị (theo tuổi, giới).

Trẻ nhỏ : Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ chủ yếu là do thiếu sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng không phù hợp như uống sữa công thức không bổ sung sắt, ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật,… Ngoài ra, trẻ sinh non hay có các bệnh lý kèm theo như tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, nhiễm giun, chảy máu cam, hành kinh khi đến tuổi dậy thì cũng làm trẻ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ cần bổ sung sắt cho trẻ theo nguyên tắc bổ sung theo nhu cầu và khuyến nghị về cân nặng, chiều cao, tuổi và giới tính.

2.2. Ăn uống như thế nào khi bị thiếu máu thiếu sắt

Sắt có trong một số thực phẩm, chẳng hạn như thịt đỏ, một số loại rau củ. Có thể chọn các thực phẩm giàu chất sắt tự nhiên cũng như các loại ngũ cốc tăng cường chất sắt.

  • Trái cây và rau quả: Các loại rau lá xanh đậm như rau bina, củ cải và cải xoăn là nguồn cung cấp tự nhiên của non-heme iron, đậu Hà Lan, đậu chuỗi, khoai lang, quả sung, chà là và nho khô là một nguồn chất sắt tốt. Ngoài ra, một số tùy chọn khác như cam quýt có nhiều vitamin Cgiúp giảm bớt tác động tiêu cực của các hợp chất phytates làm giảm hấp thu sắt.
  • Các loại ngũ cốc, sữa: Các sản phẩm từ sữa sau khi được chế biến được bổ sung thêm sắt. Chế độ ăn nhiều canxi có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể.
  • Đạm: Thịt (đặc biệt là thịt bò, thịt bê và gan) có thể cung cấp heme iron trong chế độ ăn uống của bạn. Nhiều loại hải sản và động vật có vỏ là nguồn cung cấp chất sắt tốt, đặc biệt là hàu, cá ngừ và cá mòi.Đậu nành và đậu phụ có thể là nguồn protein giàu chất sắt cho chế độ ăn uống từ thực vật.
  • Tráng miệng:mật ong, sô cô la đen, trái cây khô, nho khô hoặc các loại hạt cũng có thể thêm một chút sắt.
  • Đồ uống: Cà phê, trà và rượu chứa polyphenol, có thể ức chế sự hấp thụ sắt. Tốt nhất nên  hạn chế tối đa việc uống những đồ uống này, hoặc ít nhất là tránh uống những đồ uống này với một bữa ăn giàu chất sắt.
Hình 2. Một số thực phẩm giàu sắt

 

Nên lựa chọn nhiều thực phẩm giàu chất sắt vào chế độ ăn uống của mình, có thể lựa chọn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Rau xanh không chỉ là một nguồn giàu chất sắt, mà chúng còn chứa nhiều vitamin K và A, kali và chất xơ. Thịt đỏ là một nguồn giàu chất sắt và protein, nhưng cũng chưa lượng cholesterol cao. Thịt bò nạc có thể là một lựa chọn tốt cho chế độ ăn thiếu máu. Tuy nhiên nên chọn cách chế biến ít chất béo và ít mặt sẽ giúp tình trạng sức khỏe trở nên tốt hơn.

Chúng tôi hy vọng bạn có thể đạt được một số hiểu biết mới và xác định xem chế độ dinh dưỡng của bạn có đáp ứng nhu cầu sắt để có điều chỉnh phù hợp giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh.

ThS. Lê Thị Thanh Nhàn – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)

  1. Michael Auerbach (2020), “Anemia caused by low iron in adults (Beyond the Basics)”.
  2. L. Kathleen Mahan, Janice L Raymond (2017), “Krause’s Food & the Nutrition Care Process”, p 631-636.

Call Now