KHÁNG NGUYÊN BẠCH CẦU NGƯỜI: XÉT NGHIỆM VÀ ỨNG DỤNG

Kháng nguyên bạch cầu người (Human Leucocyte Antigen, HLA) được phát hiện ở tế bào bạch cầu khi nghiên cứu hiện tượng thải ghép. Khi ghép mô cho một cơ thể khác nhau về các kháng nguyên này thì chúng sẽ kích thích cơ thể nhận đáp ứng miễn dịch, dẫn đến thải bỏ mô ghép.

Các gen của HLA nằm trên đoạn ngắn của nhiễm sắc thể số 6, kích thước 3.600kb, bao gồm 224 alen, trong đó có 128 alen có chức năng và 96 alen không có chức năng, gồm 2 loại protein HLA lớp I và II, là các glycoprotein bề mặt nhận diện kháng nguyên. Kháng nguyên HLA lớp I có trên bề mặt ở tất cả các tế bào có nhân ở động vật có xương sống, còn HLA lớp II chỉ có trên bề mặt của một số loại tế bào như tế bào B, đại thực bào và các tế bào trình diện kháng nguyên giúp tế bào B tạo kháng thể.

Các locus gen trong hệ thống HLA

Xét nghiệm Polymerase Chain Reaction – Sequence Specific Primers (PCR – SSP) được sử dụng để xác định các locus và tính đa hình của HLA lớp I và II gồm HLA – A, – B, – C, – DP, -DQ, sử dụng các cặp mồi đặc hiệu , khuếch đại và xác định sự có mặt của đoạn DNA đặc hiệu – DNA ngắn hay một phần của gen, có kích thước khoảng 10kb

Đây là phương pháp xét nghiệm nhanh, thực hiện trong 3 – 4 giờ kể từ khi nhận được mẫu, có độ chính xác cao và đáng tin cậy. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng 38% các alen HLA của người bệnh được phát hiện bởi PCR SSP nhưng không được phát hiện bởi phương pháp huyết thanh học và sinh hóa. Trong các xét nghiệm liên quan đến ghép tạng, khoảng 21% những người hiến tặng khỏe mạnh và 17% là bệnh nhân suy thận khi xét nghiệm huyết thanh học không thể phát hiện các locus HLA do nồng độ thấp, thực tế khi so sánh đối chiếu trên cùng một lượng mẫu bằng phương pháp PCR-SSP phát hiện 23,8% người hiến tặng khỏe mạnh có HLA-DQ1. Đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong thời gian dài, PCR-SSP phát hiện tế bào B hỗ trợ các quá trình phân tách HLA ra khỏi tế bào máu đồng thời phát hiện 17% bệnh nhân không có HLA-DR trong bệnh nhân có thể lựa chọn thận khác phù hợp hơn. Xét nghiệm không cho hoặc rất ít hiện tượng dương tính giả, thời gian thực hiện kỹ thuật ngắn, giá thành thấp và không gây độc cho người thực hiện.

Kết quả điện di sản phẩm PCR – SSP

Ứng dụng xét nghiệm PCR-SSP phân tích tính đa hình của HLA lớp I của bệnh nhân suy thận ở miền trung Việt Nam, nhận thấy rằng alen HLA-A là một trong những yếu tố di truyền được quan tâm trong việc đánh giá sự tương hợp mô ghép trong những bệnh nhân suy thận mạn cần ghép thận. Ở bệnh nhân suy thận mạn có tần suất xuất hiện các alen A*02 (23,08%), A*11 (31,73%), A*24 (15,38%). Xét theo giới tính, bệnh nhân nam xuất hiện các tần số alen A*02 (15.79%), A*11 (40.79%), A*24 (15.79%) chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó ở bệnh nhân nữ các alen chủ yếu như A*02 (42.86%), A*21 (14.29%), B*15 (28.13%) và ở độ tuổi từ 30 – 40 có tỷ lệ mắc bệnh suy thận mạn cao nhất, tùy thuộc vào giới tính.

ThS. Nguyễn Vân Hương – Khoa KTXNYH

Tài liệu tham khảo

  1. Youssef M. Mosaad (2014), Association between Human Leukocyte Antigens (HLA-A, -B, and -DR) and end-stage renal disease in Kuwaiti patients awaiting transplantation, Ren Fail, 2014; 36(8): 1317–1321
  2. Trần Đình Bình (2005), HLA-Nghiên cứu và ứng dụng, Kỹ thuật PCR, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội. 

Call Now