LỢI ÍCH CỦA PREBIOTIC ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Prebiotic là một thành phần khá phổ biến trong các loại thực phẩm thông thường và đặc biệt quan trọng đối với hệ tiêu hóa của người và động vật

Thuật ngữ prebiotic được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1995 bởi các nhà khoa học Glenn Gibson và Marcel Roberfroid. Khi đó, prebiotic được cho là “một thành phần thực phẩm không tiêu hóa được, có ảnh hưởng có lợi đến vật chủ bằng cách kích thích có chọn lọc sự phát triển và/hoặc hoạt động của một hoặc một số lượng hạn chế vi khuẩn trong đường ruột, khi đó cải thiện sức khỏe của vật chủ”. Đến năm 2008, Hội thảo lần thứ 6 của Hiệp hội Khoa học Quốc tế về Probiotic và Prebiotic (ISAPP) đã định nghĩa “Prebiotic trong chế độ ăn uống” là “một thành phần lên men có chọn lọc dẫn đến những thay đổi cụ thể về thành phần và/hoặc hoạt động của hệ vi sinh vật đường ruột, do đó mang lại lợi ích tới sức khỏe của vật chủ” [1]. Do đó, để phân loại một hợp chất là prebiotic người ta căn cứ vào các tiêu chí sau đây [2]:

  • Phải chịu được độ pH axit dạ dày, không bị thủy phân bởi các enzyme của động vật có vú và không được hấp thụ ở đường tiêu hóa.
  • Có thể được lên men bởi hệ vi sinh vật đường ruột
  • Các chất này kích thích có chọn lọc đến sự tăng trưởng và/hoặc hoạt động của vi khuẩn đường ruột từ đó giúp cải thiện sức khỏe của vật chủ.

15 loại thực phẩm chứ prebiotic có lợi cho sức khỏe đường ruột

Prebiotic thuộc nhóm chất xơ hòa tan có nhiều trong các loại rau, củ, quả… và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Đây là những nguồn dinh dưỡng giúp cho các vi khuẩn có lợi đường ruột tăng trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, có 2 dạng prebiotic thường được quan tâm nghiên cứu nhiều là Galacto-oligosaccharides (GOS) có nguồn gốc từ động vật (thành phần cơ bản là các galactose và lactose liên kết với nhau) và Inulin/Fructo-oligosaccharides (FOS) có nguồn gốc từ thực vật (thành phần gồm glucose và fructose liên kết với nhau). Một số tác dụng của prebiotic đối với hệ tiêu hóa có thể kể đến như sau:

  • Tái tạo sự cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột: Ở điều kiện bình thường, hệ vi khuẩn đường ruột thường đạt trạng thái cân bằng do sự cạnh tranh phát triển giữa vi khuẩn có lợi và có hại. Khi trạng thái cân bằng bị phá vỡ, các vi khuẩn có hại sẽ phát triển, liên kết nhiều với các thụ thể (receptor) oligosaccharide trên bề mặt niêm mạc ruột, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Trong trường hợp này prebioticđóng vai trò như các thụ thể thay thế liên kết với các vi khuẩn có hại và làm giảm tác động của vi khuẩn lên hệ tiêu hóa. Đồng thời, prebiotic kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi đường ruột như bifidobacteria và lactobacilli, làm tăng số lượng lợi khuẩn trong cơ thể. Các lợi khuẩn này sẽ ức chế sự hình thành, phát triển của vi khuẩn gây hại, làm cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
  • Giảm khả năng ung thư ruột kết: Khi cung cấp đều đặn và đủ lượng prebiotic sẽ giúp một số lợi khuẩn đường ruột phát triển và sản sinh nhiều vitamin K và các axit béo chuỗi ngắn. Các chất này là nguồn dinh dưỡng cho các tế bào niêm mạc đường ruột phát triển khỏe mạnh, giúp hình thành hàng rào bảo vệ có khả năng ngăn chặn các vi khuẩn, virus, loại bỏ chất độc hại và bảo vệ đường ruột.

–       Giảm cholesterol trong máu: Prebiotic thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn axit lactic. Loại vi khuẩn này sẽ giúp làm giảm mức cholesterol trong máu ở người.

–       Tăng cường hấp thu khoáng chất: Theo một số nghiên cứu, prebiotic có thể làm tăng sự hấp thu canxi, sắt, magie, đồng,… ở ruột già. Ngoài ra, prebiotic còn kích thích các vi khuẩn thủy phân acid phytic, từ đó hỗ trợ hấp thu khoáng chất ở cơ thể chuột thí nghiệm.

–       Cải thiện bệnh viêm ruột: Prebiotic còn cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào niêm mạc phát triển, hỗ trợ các lợi khuẩn trong ruột già phát triển, tạo hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn có hại, ngăn ngừa viêm đường ruột.

–       Giảm dị ứng: Prebiotic có tác dụng làm giảm sự phát triển của viêm phong da một cách tích cực, hiệu quả, hạn chế tình trạng dị ứng ở trẻ em.

–       Phòng ngừa táo bón: Prebiotic dạng FOS và GOS có tác dụng nhuận tràng giúp người dùng có thể ngăn ngừa táo bón, giúp đi vệ sinh dễ dàng hơn.

Do đó, cần bổ sung prebiotic thường xuyên với lượng phù hợp trong chế độ ăn hằng ngày để cải thiện sức khỏe cho đường tiêu hóa, giảm bớt nguy cơ bệnh tật cho người và động vật.

ThS. Nguyễn Trung HIếu – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)

  1. Prebiotics: Definition, Types, Sources, Mechanisms, and Clinical Applications. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6463098/
  2. Gibson G.R., Scott K.P., Rastall R.A., Tuohy K.M., Hotchkiss A., Dubert-Ferrandon A., Gareau M., Murphy E.F., Saulnier D., Loh G., et al. Dietary prebiotics: Current status and new definition. Food Sci. Technol. Bull. Funct. Foods. 2010;7:1–19. doi: 10.1616/1476-2137.15880.
  3. 15 Prebiotic Foods for Gut Health. https://kaynutrition.com/prebiotic-foods/

Call Now