• Trang chủ /
  • Tin tức
  • / Miyabeacin: Một cyclodimer mới có thể đóng vai trò tiềm năng cho cây liễu trong liệu pháp điều trị ung thư

Miyabeacin: Một cyclodimer mới có thể đóng vai trò tiềm năng cho cây liễu trong liệu pháp điều trị ung thư

Sau hơn 100 năm kể từ khi cung cấp cho nhân loại aspirin, vỏ cây liễu lại một lần nữa chứng tỏ nó có công dụng y học tuyệt vời, khi chứa một thành phần hóa học đặc biệt có khả năng tiêu diệt nhiều loại tế bào ung thư.

Từ cả ngàn năm trước, con người đã biết sử dụng lá và vỏ cây liễu để làm thuốc giảm đau, điển hình là người Ai Cập cổ đại. Năm 1897, phiên bản tổng hợp của hoạt chất acid salicylic (C7H6O3) – có nhiều trong vỏ liễu – đã được điều chế và bán rộng rãi trên thị trường với tên gọi aspirin, sau trở thành loại thuốc được dùng nhiều nhất thế giới.

Gần đây, một thành phần tiềm năng khác được tìm thấy trong cây liễu, được cho có sức mạnh chống lại cả ung thư. Các nhà khoa học ở trung tâm nghiên cứu Rothamsted ở Hertfordshire (Anh) đã phối hợp cùng Đại học Kent khám phá ra chất miyabeacin trong cây liễu có thể tiêu diệt một số loại tế bào ung thư.

“Hiện tượng nhờn thuốc là vấn đề nghiêm trọng nhất khi điều trị các loại ung thư như neuroblastoma (u nguyên bào thần kinh), … mà chỉ các loại thuốc với cơ chế tác động đặc biệt mới có thể mang lại hiệu quả,” giáo sư Mike Beale, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. “Phân tử miyabeacin có cấu tạo bao gồm 2 nhóm salicin, vì thế được kỳ vọng sẽ cho khả năng chống viêm và đông máu cao hơn nhiều so với aspirin. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi còn phát hiện thấy các phân tử miyabeacin hoạt động tích cực để chống lại một số dòng tế bào ung thư, trong đó có cả loại nhờn thuốc. Điều này càng nhấn mạnh tiềm năng dược lý đa dạng của cây liễu,” GS. Beale lý giải.

Theo GS. Beale, các thử nghiệm được tiến hành để điều trị ung thư vú, vòm họng, buồng trứng, … bằng miyabeacin đã thu được kết quả tích cực. Nhưng điều khiến các nhà khoa học phấn khích nhất là hiệu quả mà nó mang lại đối với chứng u nguyên bào thần kinh – một dạng khối u rắn khá phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi mà bệnh nhân mắc phải có tỷ lệ sống sót rất thấp (dưới 50%).

Ngoài ra, liễu và nhiều loại cây khác đều có chứa thành phần hóa học tiềm năng khác mang tên gọi salicyclic acid giúp chúng chống lại bệnh tật, phát triển rễ và hoa, chống chọi với hạn hán…

Những kết quả ban đầu này đã mở ra nhiều triển vọng lạc quan. Tuy nhiên vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước phải đi để phát triển thành công loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư từ miyabeacin. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất các phương án điều chế miyabeacin từ cây liễu trên quy mô lớn để tiến hành thêm nhiều thử nghiệm.

ThS. Từ Minh Thành – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)

Tài liệu tham khảo

  1. Ward, J. L., Wu, Y., Harflett, C., Onafuye, H., Corol, D., Lomax, C., … & Beale, M. H. (2020). Miyabeacin: A new cyclodimer presents a potential role for willow in cancer therapy. Scientific reports10(1), 6477.

2. Noleto-Dias, C., Lomax, C., Bellisai, A., Ruvo, G., Harflett, C., Macalpine, W. J., … & Ward, J. L. (2024). Breeding Novel Chemistry in Willow: New Hetero Diels–Alder Cyclodimers from Arbusculoidin and Salicortin Suggest Parallel Biosynthetic Pathways. Plants, 13(12), 1609

Call Now