Thủy ngân là một kim loại nặng có ánh bạc, một nguyên tố kim loại có dạng lỏng ở nhiệt độ thường. Thủy ngân được sử dụng trong các nhiệt kế, áp kế,…, ngoài ra thuỷ ngân còn tồn tại trong hải sản, nhất là các loài cá săn mồi lớn. Khi tiếp xúc với thủy ngân, tùy thuộc vào liều lượng, đường hấp thu và thời gian tiếp xúc, thủy ngân có thể gây độc cho con người. Mặc dù mỗi dạng thủy ngân sẽ gây ra các triệu chứng ngộ độc khác nhau nhưng nhìn chung nhiễm độc thuỷ ngân cấp hoặc mãn tính đều gây nên những tác động đến cơ thể, nhất là ở não và hệ thần kinh.
Nhiễm độc thuỷ ngân là gì?
Thủy ngân là nguyên tố kim loại ở dạng lỏng, có màu ánh bạc, không tan trong nước. Ở nhiệt độ phòng, thủy ngân tồn tại dưới dạng chất lỏng dễ dàng bay hơi trong không khí, lan ra môi trường xung quanh hoặc có thể xâm nhập vào mưa, đất và nước. Thông thường chúng ta có thể tiếp xúc với thủy ngân khi hít phải không khí có hơi thuỷ ngân; tiêu thụ thực phẩm, nước hoặc đất bị ô nhiễm; tiếp xúc trực tiếp với các chất có chứa thủy ngân.

Nhiễm độc thủy ngân (còn gọi là ngộ độc thuỷ ngân) là một loại ngộ độc kim loại nặng do hấp phụ thủy ngân xảy ra khi nuốt, hít hoặc chạm phải thủy ngân ở nhiều mức độ khác nhau và gây nên những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Ba dạng thủy ngân chủ yếu mà con người tiếp xúc là thuỷ ngân nguyên tố, thủy ngân vô cơ và thủy ngân hữu cơ. Ngưỡng thủy ngân gây độc cho cơ thể >4-5 micromol/lít hoặc > 1.6 microgram/kg/ngày.
Triệu chứng nhiễm độc thuỷ ngân
Các triệu chứng nhiễm độc thủy ngân ở người lớn
Người lớn bị nhiễm độc thủy ngân nặng có thể gặp phải:
- Gặp khó khăn trong quá trình nghe và nói
- Thiếu sự phối hợp của hệ vận động
- Yếu cơ
- Mất cảm giác (hệ thần kinh) ở tay và mặt
- Khó khăn trong đi lại
- Thay đổi tầm nhìn, thị giác.
Các triệu chứng nhiễm độc thủy ngân ở trẻ em và trẻ sơ sinh
Nhiễm độc thủy ngân cũng có thể làm gián đoạn sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tiếp xúc với lượng thủy ngân cao có thể bị chậm phát triển về:
- Nhận thức
- Kỹ năng vận động.
- Phát triển lời nói và ngôn ngữ
- Nhận thức thị giác-không gian
Các biến chứng của nhiễm độc thuỷ ngân
Nhiễm độc lượng thủy ngân cao có thể dẫn đến những nguy cơ lâu dài và đôi khi vĩnh viễn đáng chú ý nhất là đến hệ thần kinh, đặc biệt ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, bao gồm:
- Ảnh hưởng đến các vấn đề phát triển ở não, các chức năng thể chất như kỹ năng vận động. Một số trẻ em tiếp xúc với thủy ngân khi còn nhỏ có thể gây giảm khả năng học tập (theo EDF).
- Nguy cơ bị dị dạng và giảm tỷ lệ sống sót của thai nhi.
- Tổn thương não và thận vĩnh viễn ở người lớn.
- Suy tuần hoàn.
- Giảm số lượng tinh trùng cũng như khả năng sinh sản.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Các nguyên nhân gây nhiễm độc thủy ngân
Nhiễm độc thủy ngân do ăn thuỷ hải sản chủ yếu là nhiễm độc thủy ngân hữu cơ (Methylmercury) do ăn một số loại cá có chứa thủy ngân hoặc ăn quá nhiều cá. Methylmercury được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa. Dạng thủy ngân này phân bố khắp cơ thể và dễ dàng xuyên qua hàng rào máu não và nhau thai ở người và động vật. Methylmercury có thời gian bán hủy sinh học tương đối dài ở người; ước tính dao động từ 44 đến 80 ngày. Bài tiết qua phân, sữa mẹ và nước tiểu.
Nhiễm độc thủy ngân còn có thể là do môi trường hoặc do tiếp xúc với các dạng khác của thuỷ ngân. Bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với thuỷ ngân kim loại như trong nhiệt kế thuỷ ngân bị vỡ. Đã có nhiều trường hợp ghi nhận do bất cẩn trong sử dụng và bảo quản, nhiệt kế vỡ đâm vào cơ thể khiến thuỷ ngân theo đó tràn vào.
- Hít phải hơi thuỷ ngân khi nhiệt kế vỡ.
- Trám răng “bạc”, một số loại trang sức có chứa thuỷ ngân.
- Khai thác vàng thủ công sử dụng thuỷ ngân để hoà tan vàng (tách vàng khỏi hỗn hợp kim loại, đất đá) sau đó chưng cất làm bay hơi thuỷ ngân.
- Các sản phẩm chăm sóc da có chứa thuỷ ngân.
- Tiếp xúc với không khí độc hại chứa thuỷ ngân trong quá trình sản xuất công nghiệp.
- Vỡ bóng đèn huỳnh quang có chứa hơi thuỷ ngân, pin chứa thuỷ ngân cũng là nguyên nhân.

Chẩn đoán nhiễm độc thủy ngân
Nhiễm độc thủy ngân được chẩn đoán thông qua khám sức khỏe, xét nghiệm máu và nước tiểu. Đầu tiên cần khai thác thông tin về các triệu chứng đang gặp phải và thời gian bắt đầu. Môi trường làm việc và sinh hoạt, chế độ ăn uống và các thói quen lối sống khác. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm độc thuỷ ngân bệnh nhân sẽ được chỉ định xét nghiệm thủy ngân trong máu hoặc nước tiểu nhằm đánh giá mức độ.
Điều trị nhiễm độc thủy ngân
Hiện không có cách chữa trị tối ưu cho nhiễm độc thủy ngân. Cách tốt nhất để điều trị là ngừng tiếp xúc với kim loại này, loại bỏ tất cả các nguồn thủy ngân mà người bệnh tiếp xúc dẫn đến nhiễm độc.
- Nếu bạn ăn nhiều hải sản chứa thủy ngân, hãy dừng lại ngay lập tức.
- Nếu bị xâm nhập thuỷ ngân vào cơ thể (do vỡ nhiệt kế,…) đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời (phẫu thuật để lấy hết thuỷ ngân ra khỏi mô).
- Nếu nguyên nhân có liên quan đến nơi làm việc, bạn cần phải thực hiện các phương pháp bảo hộ khi làm việc nhằm tránh tiếp xúc thuỷ ngân hoặc xem xét một công việc mới.
- Nếu nguyên nhân liên quan đến môi trường sống bạn cần rời khỏi khu vực đó để ngăn ngừa các tác động tiếp theo của nhiễm độc.

Phòng ngừa nhiễm độc thủy ngân
Khi được phát hiện sớm, nhiễm độc thủy ngân có thể được ngăn chặn. Các tác động thần kinh do nhiễm độc thủy ngân thường là vĩnh viễn vì vậy bạn cần ghi nhớ các dấu hiệu của nhiễm độc thuỷ ngân, khi nghi ngờ bị nhiễm độc thủy ngân cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm độc thủy ngân trong chế độ ăn uống là cẩn thận với số lượng và loại hải sản mà bạn ăn hàng ngày. Tránh các loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao nếu bạn đang mang thai. Tuân theo hướng dẫn về khẩu phần cá và hải sản cho trẻ em: Theo FDA, trẻ em dưới 3 tuổi có thể ăn 28 gram cá, trong khi khẩu phần cho trẻ từ 4 đến 7 tuổi là 56 gram.
Rửa tay ngay lập tức nếu bạn nghĩ rằng bạn đã tiếp xúc với các dạng thủy ngân khác.
Sử dụng cẩn thận và tìm hiểu cách thức xử lý sự cố tràn thủy ngân trong gia đình (chẳng hạn như do vỡ bóng đèn huỳnh quang, vỡ nhiệt kế thuỷ ngân,…)
Sử dụng các vật dụng không chứa thuỷ ngân như nhiệt kế điện tử thay cho nhiệt kế thuỷ ngân, bóng đèn LED thay cho bóng huỳnh quang,… Thay đổi môi trường làm việc, môi trường nơi ở an toàn.
ThS Nguyễn Tiến Viễn
Tài liệu tham khảo
- Keating, M. H. (1997). Mercury study report to congress. Office of Air Quality Planning and Standards and Office of Research and Development, US Environmental Protection Agency.
- Understanding Mercury Poisoning https://www.healthline.com/health/mercury-poisoning