Tầm soát ung thư và các xét nghiệm liên quan

NTTU – Ung thư là một thuật ngữ chung để chỉ một nhóm các bệnh gây ra khi các tế bào bất thường phân chia nhanh chóng, xâm lấn và lan tràn sang các mô và cơ quan khác của cơ thể. Hiện nay, ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, đã và đang trở thành gánh nặng lớn trên thế giới, đặc biệt là với các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị khoa học quốc tế về phòng chống ung thư được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam cao top 2 thế giới. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca mắc mới, số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73,5%, trong khi đó tỷ lệ này trên thế giới là 59,7%, ở các quốc gia phát triển là 49,4%, các quốc gia đang phát triển cũng chỉ ở mức 67,9%. Điều này phản ánh đa phần bệnh nhân khi có biểu hiện lâm sàng kéo dài và nặng mới tiến hành kiểm tra, lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị, chi phí cao và khả năng phục hồi thấp.

Như vậy so với việc điều trị ung thư gây nhiều đau đớn là tổn hại về mặt tinh thần cũng như sức khỏe người bệnh, thì tầm soát ung thư là một cách chủ động phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, một cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhờ vào phương pháp khoa học hiện đại, giúp người bệnh tránh những rủi ro không đáng có.

1. Tầm soát ung thư là gì?

Tầm soát ung thư là các xét nghiệm tầm soát có thể giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu, trước khi các triệu chứng xuất hiện. Khi các mô bất thường hoặc ung thư được phát hiện sớm tạo thuận lợi cho việc điều trị cũng như chữa khỏi ung thư có thể dễ dàng hơn. Việc phát hiện và điều trị kịp thời giúp giảm nguy cơ tử vong do ung thư. Vào thời điểm các triệu chứng xuất hiện, ung thư có thể đã phát triển và lan rộng. Điều này có thể làm cho bệnh ung thư khó điều trị hoặc chữa khỏi hơn.

Theo tổ chức y tế thế giới WHO, một số quốc gia phát triển ngay cả khi ngày càng nhiều người mắc ung thư nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư có thể giảm do nhiều hành động khác nhau, một trong số đó là tầm soát ung thư. Các chương trình tầm soát ung thư có tiềm năng rất lớn để cải thiện ung thư, chúng có thể giảm tỷ lệ tử vong và thậm chí ngăn ngừa một số bệnh ung thư.

2. Đối tượng cần tầm soát ung thư

Với chế độ ăn uống vận động thiếu lành mạnh, liên tục tiếp xúc với nhiều tác nhân nguy hại thì tỷ lệ ung thư đang ngày càng trẻ hóa. Không chỉ đối với những người lớn tuổi mà ngay cả người trẻ cũng dễ mắc ung thư, vì vậy bất kì ai cũng đều nên tiến hành việc tầm soát ung thư định kì.

Đặc biệt, những đối tượng sau được các bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư định kỳ: có tiền sử cá nhân, tiền sử gia đình liên quan đến bệnh ung thư; thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư như khói thuốc lá, hóa chất nơi làm việc…; mắc các bệnh lý mãn tính; có chế độ ăn uống thiếu khoa học, chế độ sinh hoạt rối loạn, ít vận động, thường xuyên bị căng thẳng và mệt mỏi…

3. Tầm soát ung thư đến khi nào?

Ung thư là bệnh lý có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào, do đó không có gì đảm bảo bạn sẽ không bị ung thư trong những năm tiếp theo. Tùy thuộc vào từng loại ung thư mà các đối tượng được tầm soát được khuyến cáo thực hiện các xét nghiệm mỗi 2 năm, 3 năm, 5 năm hay 10 năm. Phần lớn các loại ung thư thường được khuyến cáo tầm soát đến 75 tuổi. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, việc sàng lọc được dừng lại nếu bác sĩ nhận thấy việc tầm soát ung thư không mang lại lợi ích cho các đối tượng được sàng lọc nữa.

4. Các xét nghiệm tầm soát ung thư:

Có nhiều phương pháp tầm soát ung thư, mỗi loại tầm soát ung thư có những xét nghiệm tầm soát nhất định. Tổng quan có thể chia thành các nhóm sau:

  • Khám sức khỏe và tiền sử: Giúp kiểm tra sức khỏe tổng quát, các dấu hiệu bệnh lý, như những nốt, sang thương hoặc bất cứ thứ gì không giống với bình thường. Tiền sử về thói quen sức khỏe của bệnh nhân và các bệnh trong quá khứ và các phương pháp điều trị cũng sẽ được thực hiện.
  • Xét nghiệm: kiểm tra mẫu mô, mẫu máu, mẫu nước tiểu hoặc các chất khác trong cơ thể của bạn gợi ý đến các ung thư. Xét nghiệm máu nhằm phát hiện ra các dấu ấn ung thư – một loại protein đặc biệt được tạo ra từ tế bào ung thư hoặc tế bào bình thường trong cơ thể đáp ứng với trường hợp ung thư. Ví dụ như đối với ung thư gan thì dấu ấn ung thư là AFP, ung thư tụy là CA19-9, ung thư ruột già là CEA, ung thư phổi là CYFRA 21-1, ung thư buồng trứng là CA 125…
  • Chẩn đoán hình ảnh: Những phương tiện tạo ra hình ảnh của các bộ phận bên trong cơ thể bạn, giúp khảo sát các bất thường về mặt cấu trúc và chức năng của những cơ quan đó, qua đó gợi ý những hình ảnh sớm nhất có thể của khối u. Một số phương pháp thăm khám thường sử dụng như: siêu âm, chụp X- quang, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp cộng hưởng từ MRI, nội soi…
  • Xét nghiệm di truyền: Là những xét nghiệm để tìm các đột biến gen có liên quan đến một vài loại ung thư.

Ngày nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, tuy nhiên đa phần bệnh nhân tới khám bệnh khi bệnh xuất hiện triệu chứng và khi đó bệnh thường đã không còn ở giai đoạn sớm. Do đó, đã ảnh hưởng rất lớn tới việc lựa chọn các phương pháp điều trị và sống còn của bệnh nhân. Ở các quốc gia phát triển việc tầm soát ung thư được thực hiện một cách rộng rãi và phổ biến. Nhận thấy vai trò quan trọng của việc khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư, ở Việt Nam, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế ở nhiều địa phương đã triển khai các dịch vụ khám tầm soát phát hiện sớm ung thư cũng như tư vấn theo dõi dự phòng ung thư bước đầu đáp ứng nhu cầu thiết thực cũng như góp phần nâng cao nhận thức tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân.

ThS. Lê Thị Đào – Khoa Khoa kỹ thuật xét nghiệm y học (tổng hợp)  

Call Now