TẦM SOÁT UNG THƯ VÒM HỌNG

Ung thư vòm họng là một bệnh ung thư nguy hiểm và có xu hướng gia tăng nhanh ở Việt Nam. Đa số bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối, dẫn đến rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị bệnh. Chính vì vậy, ngày càng nhiều người tầm soát ung thư vòm họng hàng năm nhằm phát hiện bệnh sớm, chữa trị nhanh chóng.

Ung thư vòm họng (còn gọi là ung thư mũi họng – nasopharyngeal cancer) hình thành từ các tế bào bất thường vùng mũi họng, thường bắt nguồn từ các tế bào vảy lót vùng mũi họng. Về mặt giải phẫu, vùng vòm họng là phần phía trên của họng (gồm vòm họng, miệng họng và hạ họng).

Tầm soát ung thư vòm họng là quy trình kết hợp giữa khám lâm sàng với các xét nghiệm cận lâm sàng (như nội soi tai-mũi-họng, sinh thiết tổn thương,…) nhằm phát hiện sớm bệnh ngay từ khi bệnh ở giai đoạn sớm và chưa gây ra các triệu chứng rõ ràng trên lâm sàng. Việc phát hiện sớm bệnh qua tầm soát giúp can thiệp điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Hình 1. Ung thư vòm họng

Chẩn đoán ung thư vòm họng

Khám lâm sàng giúp bác sĩ khai thác kỹ tiền sử, các triệu chứng người bệnh mắc phải, từ đó phát hiện các bất thường tại vòm họng, khoang miệng, lưỡi, các hạch bất thường vùng cổ,… Từ đó, bác sĩ sẽ định hướng cho bệnh nhân làm các xét nghiệm ung thư vòm họng, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng liên quan.

Các xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư vòm họng bao gồm:

  • Nội soi NBI: Nội soi với dải tần ánh sáng hẹp, có thể phát hiện tình trạng tăng sinh mạch máu trong các trường hợp ung thư vòm họng giai đoạn sớm, khi mà khối u còn khu trú, chưa có hạch di căn. Từ đó giúp kết quả điều trị đạt kết quả tốt hơn và tăng tỷ lệ khỏi bệnh.
  • Sinh thiết: Sinh thiết vòm họng qua thiết bị nội soi, đặc biệt dưới nội soi NBI sẽ cho kết quả chính xác hơn vì khối u được quan sát rõ nét hơn. Người thực hiện thủ thuật có khả năng lấy được mô tế bào ở vị trí tế bào ung thư đang phát triển mạnh.
  • Chọc hút hạch làm FNA: Chọc hút hạch cổ gửi sinh thiết và chẩn đoán mô bệnh học để xác định tình trạng di căn hạch.
  • Chụp CT Scanner hay chụp MRI: Chụp CT Scannergiúp đánh giá mức độ xâm lấn của khối u thông qua hình chụp.
  • Xét nghiệm sinh hoá: Thử các phản ứng huyết thanh IgA/VCA; IgA/EA; IgA/EBV DNA trước, trong và sau điều trị để đánh giá tiên lượng bệnh.

Hình 2. Nội soi tai mũi họng tầm soát ung thư vòm họng

Các phương pháp điều trị ung thư vòm họng phổ biến

  • Phẫu thuật: là phương pháp thường được sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng. Kỹ thuật này bao gồm phẫu thuật nội soi và mổ mở, tùy theo vị trí, kích thước và sự xâm lấn của khối u để lựa chọn phương pháp phù hợp.
  • Xạ trị: Phương pháp này sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao để chiếu vào các tế bào ung thư và hủy diệt chúng. Tuy nhiên, phương pháp này đem lại hiệu quả cao ở bệnh nhân chưa di căn, ngăn không cho khối u phát triển. Ở bệnh nhân giai đoạn muộn, xạ trị cũng giúp giảm đau đớn và các triệu chứng bệnh gây ra.
  • Hoá trị: Hóa trị có thể được điều trị riêng biệt hoặc áp dụng với xạ trị để điều trị triệt để ung thư vòm họng. Tuy nhiên, người bệnh cần biết, thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư cũng thường gây nhiều tác dụng phụ.
  • Liệu pháp miễn dịch tự thân: là một thành tựu mới trong cuộc chiến điều trị ung thư của Y học để tăng sức đề kháng của cơ thể, chống lại bệnh tật. Các tế bào miễn dịch được lấy ra từ chính máu của bệnh nhân, tăng sinh trong phòng thí nghiệm và truyền ngược lại cơ thể sau khi đạt được số lượng tế bào cần thiết.
  • Liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ: Trong quá trình điều trị ung thư, cơ thể người bệnh sẽ bị đau và xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Các bác sĩ sẽ tập trung vào việc giảm đau, giảm căng thẳng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hình 3. Xạ trị ung thư vòm họng

Tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư vòm họng phổ biến là xạ trị và hóa trị liệu. Đối với những bệnh nhân ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, việc điều trị chỉ có ý nghĩa nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Theo một nghiên cứu ở Mỹ năm 2010, số người sống sót sau 5 năm phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn 1 là 72%, phát hiện ở giai đoạn 2 là 64%, phát hiện ở giai đoạn 3 là 62% và ở giai đoạn 4 là 38%. Tuy nhiên, tùy theo thể trạng và tâm lý của bệnh nhân mà thời gian sống của họ có thể khác nhau.

ThS. Từ Minh Thành – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)

Tài liệu tham khảo

  1. https://tamanhhospital.vn/tam-soat-ung-thu-vom-hong/
  2. https://www.vinmec.com/vi/ung-buou-xa-tri/thong-tin-suc-khoe/cac-xet-nghiem-can-lam-de-tam-soat-ung-thu-vom-hong/
  3. https://biocarecenter.vn/dieu-tri-ung-thu-vom-hong/

Call Now