NTT – Những năm gần đây, công nghệ tế bào gốc đã mang đến nhiều bước tiến mới trong lĩnh vực y khoa. Đặc biệt, những phương pháp chữa bệnh mới được tìm thấy và đạt được hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều chưa nhận thức rõ rệt những hoạt động ứng dụng của tế bào gốc nên vẫn còn tồn tại một số luồng ý kiến trái chiều.
- Tế Bào Gốc là gì?
Tế bào gốc là tế bào có khả năng tự đổi mới, tăng sinh và phát triển biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt để thực hiện chức năng trong một mô cụ thể. Tế bào gốc có thể được phân lập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nguồn tế bào gốc từ máu và mô dây rốn cung cấp một lượng tế bào gốc đáng kể và có nhiều ưu điểm vượt trội. Tế bào gốc tạo máu khi được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch sẽ di chuyển đến tủy xương. Tại đây, chúng sẽ tăng sinh và phát triển thành các tế bào máu mới thay thế cho các tế bào cũ bị khiếm khuyết.
- Phân loại Tế Bào gốc
Tế bào gốc phôi (Embryonic Stem Cells- ESC) là các tế bào đa năng có ở phôi giai đoạn sớm cho đến giai đoạn phôi nang. Các tế bào này có tiềm năng biệt hóa cao
Tế bào gốc trưởng thành (Adult Stem Cells – ASC): Tế bào gốc trưởng thành có tiềm năng biệt hóa thấp hơn tế bào gốc phôi, nhưng nghiên cứu và ứng dụng không vấp phải vấn đề đạo đức.
Tế bào gốc từ mô dây rốn: Mô dây rốn kết nối giữa nhau thai và bào thai có chứa nhiều loại tế bào gốc khác nhau nằm trong nhóm tế bào gốc nhũ nhi (Infant Stem Cells), có thể kể đến như: Tế bào gốc biểu mô (Epithelial Stem Cells), tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cells – MSCs) và tế bào gốc nội mô (Endothelial Stem Cells)…
Tế bào gốc từ máu dây rốn (Hematopoietic stem cells -HSCs): tế bào gốc máu dây rốn cũng cần được thu thập và lưu trữ ngay sau khi em bé được sinh ra.
Tế bào gốc đa năng cảm ứng (Induced Pluripotent Stem Cells – iPSC) là các tế bào được tạo thành từ tế bào soma hay tế bào sinh dưỡng đã được tái lập trình trở lại thành tế bào gốc nhờ cảm ứng bằng các yếu tố phiên mã.
- Ứng Dụng Công Nghệ Tế Bào Gốc
Trong y học tái tạo: tạo ra tế bào khỏe mạnh để thay thế các tế bào bệnh, điều trị bệnh: Tế bào gốc được sử dụng để bổ sung, thay thế, sửa chữa cho các tế bào chức năng phát triển lệch lạc gây bệnh hoặc các tế bào đã già yếu, tổn thương.
Hỗ trợ tìm hiểu cơ chế bệnh lý: Công dụng của tế bào gốc còn giúp các chuyên gia y tế gia tăng sự hiểu biết về cơ chế bệnh lý thông qua việc nghiên cứu các tế bào gốc trưởng thành biệt hoá thành các tế bào khác trong cơ thể như tế bào thần kinh, cơ tim, sụn, xương,… từ đó hiểu rõ hơn về cơ chế gây bệnh cũng như các nguyên nhân gây bệnh và tiến triển bệnh.
Thử nghiệm, phát triển các loại thuốc: ông dụng của tế bào gốc nuôi cấy giúp sàng lọc độc tính của thước mới cũng như nghiên cứu hiệu quả của thuốc, kiểm tra xem thuốc có ảnh hưởng gì đến các tế bào của cơ thể không, các tế bào có bị tổn hại hay không.
- Tế bào gốc trong điều trị bệnh
Hiện nay, công nghệ tế bào gốc có thể được ứng dụng để nghiên cứu và chữa hơn 80 loại bệnh khác nhau:
- Điều trị tim mạch: nhờ khả năng tái tạo, tế bào gốc sẽ sản sinh ra nhiều tế bào mới và làm cơ sở để các mạch máu hình thành
- Bệnh về não: sử dụng các tế bào và mô thay thế để điều trị các bệnh về não, chẳng hạn như Parkinson và Alzheimer.
- Thiếu tế bào: sử dụng tế bào gốc để tái tạo tế bào mới và sản sinh những mô khỏe mạnh để phục hồi chức năng của tim. Điển hình như những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1 sẽ được bác sĩ cấy ghép tế bào tuyến tụy nhằm tạo điều kiện sản sinh Insulin
- Bệnh về máu: ứng dụng của tế bào gốc có thể được lựa chọn làm phương pháp chữa trị cho những đối tượng mắc bệnh về máu. Điển hình như thiếu máu hồng cầu, bệnh bạch cầu hay kể cả những bệnh lý liên quan đến sự suy giảm miễn dịch.
- Điều trị ung thư: Tế bào gốc tạo máu đã được ứng dụng rất thành công trong điều trị ung thư bạch cầu
Đã có trên 75 bệnh lý khác nhau được điều trị bằng tế bào gốc máu cuống rốn như: Leukemia; Ung thư máu dòng Lympho; Các bệnh lý máu không ác tính khác như Thalassemia, suy tủy, giảm tiểu cầu nguyên phát vô căn…; suy giảm miễn dịch bẩm sinh; teo cơ, bệnh Parkinson, liệt tủy, tự kỷ, đái tháo đường, các bệnh gan mật…
Công nghệ tế bào gốc được đánh giá là một bước chuyển đột phá trong lĩnh vực y học. Do đó, mọi người có thể tin tưởng vào những kĩ thuật, liệu pháp mà bác sĩ đưa ra. Trong tương lai, nhiều bệnh lý sẽ được tầm soát và can thiệp hiệu quả nhờ phương pháp điều trị dựa trên ứng dụng của tế bào gốc.
DS.Nguyễn Duy Thống – Khoa KTXNYH
Nguồn:
https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/22788/nghien-cuu-ung-dung-cong-nghe-te-bao-goc.aspx
https://www.vinmec.com/vi/vrisg/suc-khoe-thuong-thuc/te-bao-goc-la-gi-va-vai-tro-cua-te-bao-goc/
https://medlatec.vn/tin-tuc/doi-net-ve-ung-dung-cong-nghe-te-bao-goc-trong-y-khoa-s195-n21551/