- Các thành phần trong máu:
Máu lưu thông trong cơ thể con người chiếm 7 – 9% trọng lượng cơ thể gồm có 2 thành phần chính: huyết tương và huyết cầu.
Huyết cầu chiếm khoảng 46% gồm:
- Hồng cầu: nhờ Hemoglobin, hồng cầu vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và lấy carbon dioxide từ mô về phổi để thải ra bên ngoài. Đời sống trung bình của hồng cầu khoảng 120 ngày. Mỗi ngày có khoảng 1% hồng cầu già chết đi và được thay thế bởi các hồng cầu mới được tạo ra từ tuỷ xương.
- Bạch cầu: chức năng bảo vệ cơ thể nhờ 5 loại bạch cầu khác nhau.
- Tiểu cầu: tham gia vào quá trình cầm máu ban đầu, tạo nút tiểu cầu bịt kín vết thương thành mạch để ngăn chặn sự chảy máu. Đời sống tiểu cầu thay đổi từ 9 – 11 ngày.
Huyết tương chiếm 54%, là một hỗn dịch màu vàng nhạt với 91% là nước, 7% protein và các thành phần khác như điện giải, chất dinh dưỡng, các khí hoà tan, sản phẩm bài tiết, hormon và các men chiếm 2%. Chức năng trong huyết tương nhờ các thành phần tồn tại trong huyết tương mà chúng ta sẽ phân tích dựa vào các xét nghiệm sinh hoá.
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu là gì?
Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, thường được gọi là công thức máu, hay Complete Blood Count (CBC) là một xét nghiệm thường quy thường được thực hiện trong xét nghiệm. Mẫu máu sau khi được lấy ra sẽ được cho vào ống nghiệm có chứa chất chống đông để ngăn máu đông lại, sau đó được cho vào máy phân tích nhằm theo dõi các thông số sau:
- Dòng hồng cầu:
- Số lượng hồng cầu (RBC): 3,8 – 4,8 T/L
- Hematocit (Hct): 36 – 46 %
- Hemoglobin (Hb): 12 – 16 g/dL
- Thể tích trung bình hồng cầu (MCV): 80 – 100 fL
- Lượng huyết sắc tố trung bình của hồng cầu (MCH): 27 – 32 pg
- Nồng độ hemoglobin trung bình của hồng cầu (MCHC): 32 – 36 g/dL
- Độ phân bố hồng cầu (RDW): 11,5 – 14,5 %
- Dòng bạch cầu:
- Số lượng bạch cầu (WBC): 4 – 10 G/L
- Bạch cầu hạt trung tính (Neutrophil): 8 – 7 G/L; 45 – 70%
- Bạch cầu Lympho (Lymphocyte): 1 – 4.8 G/L; 20 – 40%
- Bạch cầu Mono (Monocyte): 0 – 0.8 G/L; 1 – 2,5%
- Bạch cầu hạt ưa acid (Eosinophil): 0 – 0.45 G/L; 1 – 3%
- Bạch cầu hạt ưa kiềm (Basophil): 0 – 0.1 G/L; 0 – 1%
- Dòng tiểu cầu:
- Số lượng tiểu cầu (PLT): 150 – 400 G/L
- Thể tích trung bình tiểu cầu (MPV): 7 – 12 fL
- Thể tích khối tiểu cầu (PCT): 100 – 1.000 %
- Độ phân bố kích thước tiểu cầu (PDW): 0 – 16.5 %
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để làm gì?
Khảo sát các số lượng và thành phần các tế bào máu cung cấp các thông tin quý giá giúp các nhà lâm sàng đánh giá hoạt động của tuỷ xương, phát hiện các bất thường trong cơ thể, định hướng được nguyên nhân gây bệnh để chẩn đoán và điều trị bệnh:
- Dòng hồng cầu:
- Thiếu máu
- Thiếu máu hồng cầu nhỏ: do thiếu sắt, thalassemia:
- Thiếu máu hồng cầu to: thiếu vitamin B12, acid folic hay thiếu yếu tố nội tại (teo niêm mạc dạ dày, cắt bỏ toàn bộ dạ dày, loét ruột)
- Thiếu máu do mất máu cấp: trĩ, rong kinh, xuất huyết dạ dày,…
- Thiếu máu do suy tuỷ
- Thiếu máu tán huyết
- Đa hồng cầu
- Đa hồng cầu nguyên phát: tuỷ xương tăng sinh quá nhiều hồng cầu.
- Đa hồng cầu thứ phát: do sống ở vùng cao, suy tim, bệnh đường hô hấp mạn tính.
Đa hồng cầu có thể gây nguy hiểm đến tính mạn do số lượng hồng cầu quá nhiều là tăng độ nhớt của máu, do đó gây trở ngại sự lưu thông của máu và hoạt động của tim. Bệnh nhân có nguy cơ bị huyết khối hoặc đông máu rải rác trong lòng mạch.
- Bạch cầu:
- Tăng bạch cầu
- Nhiễm trùng cấp tính như viêm ruột thừa, viêm phổi,…
- Dị ứng, ký sinh trùng
- Ung thư máu
- Giảm bạch cầu
- Do thuốc
- Suy tuỷ
- Bệnh tự miễn
- Dinh dưỡng
- Nhiễm trùng: lao, thương hàn, HIV, HBV,…
- Bẩm sinh
- Tiểu cầu:
- Giảm tiểu cầu: do tổn thương tuỷ, cường lách, tồn tại kháng thể kháng tiểu cầu hoặc dùng t thuốc,… Hậu quả của giảm tiểu cầu gây nốt xuất huyết trên cơ thể, máu khó đông, chảy máu kéo dài.
- Tăng tiểu cầu: do tăng sinh tuỷ, hội chứng viêm, nhiễm trùng cấp, sau cắt lách,… Quá nhiều tiểu cầu trong tuần hoàn là yếu tố nguy cơ hình thành các cục máu đông gây tắc mạch, đột quỵ, cơn đau thắt ngực.
- Ngoài ra, đây còn là xét nghiệm hữu ích thường thực hiện trước khi phẫu thuật.
- Cần chuẩn bị gì khi đi xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu?
- Xét nghiệm này không chịu ảnh hưởng bởi chế độ ăn nên bệnh nhân không nhất thiết phải nhịn ăn trước khi lấy máu.
- Trước khi lấy máu cần nghỉ ngơi 15 phút, ổn định tâm lý vì hoạt động mạnh, chấn thương tâm lý sẽ làm thay đổi một số thành phần máu không phải do bất thường.
- Làm gì khi kết quả bất thường?
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi cung cấp các bằng chứng về các thay đổi của tình trạng sức khoẻ cũng như hoạt động tạo máu của tuỷ xương. Các thông số này thay đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó khi có kết quả bất thường bệnh nhân cần được tư vấn bởi các bác sĩ để thực hiện thêm các xét nghiệm khác nhằm tìm ra nguyên nhân chính xác.
ThS. Đỗ Ánh Dương
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Tấn Bỉnh, 2015, bài giảng Huyết học lâm sàng, NXB Y học.
- Bộ môn huyết học, 2014, bài giảng Huyết học tế bào, trường ĐHYD Cần Thơ.
- Nguyễn Đạt Anh, 2013, các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng.