TỔNG QUAN THIẾU MÁU THIẾU SẮT

Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu hoặc nồng độ hemoglobin bên trong hồng cầu thấp hơn bình thường. Hemoglobin là chất cần thiết để vận chuyển oxy và nếu có quá ít hoặc bất thường tế bào hồng cầu, hoặc không đủ lượng hemoglobin, nó sẽ dẫn tới giảm khả năng vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể. Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi không có đủ lượng sắt trong cơ thể để tạo ra hemoglobin.

Hình 1. Cấu tạo của hồng cầu

1. Sinh lý bệnh thiếu máu thiếu sắt
Trong thành phần của máu, hemoglobin là một protein quan trọng, đảm nhận vai trò chủ yếu trong nhiệm vụ vận chuyển và phân phối O2 từ phổi đến các cơ quan đồng thời đưa CO2 từ cơ quan về phổi nhằm đào thải ra ngoài môi trường.
Trong quá trình tổng hợp hemoglobin cần phải có sự tham gia của ion sắt hai (Fe2+) kết hợp cùng với protoporphyrin để tạo nên nhân Hem – thành phần chính của hemoglobin bên cạnh goblin. Khi lượng sắt trong cơ thể không đủ đáp ứng được các nhu cầu sử dụng sắt dẫn đến giảm tổng hợp hemoglobin, hậu quả sẽ là thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, hay thiếu máu thiếu sắt.
Bệnh phổ biến trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, do điều kiện kinh tế, dinh dưỡng cho cơ thể không đầy đủ.
2. Nguyên nhân của thiếu máu thiếu sắt
Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu sắt và được phân loại theo 3 nhóm như sau:
Không cung cấp đủ nhu cầu sắt
• Nhu cầu về sắt tăng lên đối với trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú…
• Chế độ ăn thiếu sắt: Chế độ ăn uống không cân đối, ăn kiêng, người nghiện rượu, người già,…
• Sử dụng một số thực phẩm làm giảm hấp thu sắt như tanin, cà phê, nước uống có ga,…
• Cơ thể bị giảm hấp thu sắt do mắc một số bệnh lý như Viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột,…

Hình 2. Sắt là một thành phần cấu tạo nên nhân hem của hemoglobin

Mất máu cấp hoặc mạn tính gây thất thoát sắt trong cơ thể
• Tình trạng kinh nguyệt không đều, rối loạn, u xơ tử cung,…
• Các bệnh lý đường tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng, trĩ, nhiễm ký sinh trùng (giun móc),…
• Các tình trạng mất máu cấp và mạn tính khác.
Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh (Hypotransferrinemia)
Xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được transferrin vận chuyển sắt. Bệnh rất hiếm gặp,nó dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho gan, tim, xương khớp như suy tim, đau xương khớp, tiểu đường…
3. Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt
Triệu chứng cơ năng
Đây là những triệu chứng mà cơ thể cảm nhận được khi có tình trạng bệnh lý nào đó. Người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:
• Hoa mắt chóng mặt, hồi hộp đánh trống ngực khi nghỉ ngơi, khi thay đổi tư thế hoặc gắng sức.
• Đau đầu, mệt mỏi, giảm tập trung, giảm trí nhớ, nhức mỏi cơ xương khớp.
• Ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa; rối loạn giấc ngủ; rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới; rối loạn khả năng tình dục ở nam giới,…
Triệu chứng thực thể
Đây là những triệu chứng mà khi đi khám bệnh, các bác sĩ sẽ nhận thấy hoặc dùng các biện pháp chuyên môn để phát hiện ra. Người mắc bệnh sẽ có những triệu chứng như:
• Hội chứng thiếu máu
+ Da xanh, niêm mạc miệng, mắt, môi, lưỡi nhợt nhạt.
+ Gai lưỡi mòn hoặc mất khiến lưỡi nhẵn bóng.
+ Tóc gãy rụng nhiều.
+ Móng tay màu đục, khô, có khía, dễ gãy.
• Hội chứng thiếu sắt: tổn thương tế bào biểu mô miệng, thực quản, hầu họng, móng tay,…
• Các triệu chứng của suy tim, suy hô hấp ở bệnh nhân thiếu máu lâu dài không được điều trị.
• Ngoài ra cần chú trọng đến cả các triệu chứng của bệnh lý gây ra tình trạng thiếu máu trong cơ thể để giúp đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị nguyên nhân hiệu quả.

Hình 3. Thiếu máu thiếu sắt gây nhiều triệu chứng ảnh hướng tới chất lượng cuộc sống

4. Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt
Việc chẩn đoán ban đầu thường bao gồm hỏi tiền sử bệnh, khám lâm sàng và xét nghiệm máu. Bao gồm:
• Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, sắt huyết thanh, khả năng gắn sắt, ferritin huyết thanh, độ bão hòa transferrin, hồng cầu lưới, độ rộng phân bố hồng cầu (RDW) và tiêu bản máu ngoại vi
• Hiếm khi cần làm xét nghiệm tủy xương
5. Điều trị thiếu máu thiếu sắt
Nguyên tắc điều trị
• Hạn chế truyền máu, chỉ truyền máu trong trường hợp thiếu máu nặng, mất bù.
• Bổ sung các dạng chế phẩm sắt bằng truyền tĩnh mạch hoặc dung dịch uống, viên nén, khuyến khích sử dụng thuốc bổ sung sắt dạng uống. Chỉ định sử dụng sắt đường truyền tĩnh mạch trong các trường hợp:
–  Thiếu máu thiếu sắt nặng, rất nặng;
–  Cơ thể không hấp thu được sắt khi dùng dạng uống: Cắt đoạn ruột, dạ dày, bệnh bẩm sinh;
– Thiếu máu trong khi bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm đang tiến triển.
• Giai đoạn sớm khi mới thiếu sắt chưa thiếu máu: Bổ sung sắt qua thức ăn và uống các chế phẩm chứa sắt.
• Thời gian bổ sung sắt: Kéo dài, nên tiếp tục bổ sung sắt thêm ba tháng sau khi lượng hemoglobin đã về bình thường.
• Phối hợp với điều trị nguyên nhân: Cần tìm được nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị đồng thời với điều trị thiếu máu thiếu sắt.

Tài liệu tham khảo
1. James L Harper (2020), “Iron deficiency anemia”. Truy cập 01/10/2021 , từ https://emedicine.medscape.com/article/202333-overview#a3
2. Nemeth E (2004), ” Hepcidin regulates cellular iron efflux by binding to ferroportin and inducing its internalization” . Science 306(5704):2090–2093
3. Michael Auerbach (2020), “Anemia caused by low iron in adults (Beyond the Basics)”. Truy cập 17/02/2022, từ https://www.uptodate.com/contents/anemia-caused-by-low-iron-in-adults-beyond-the-basics#H9

Call Now