UNG THƯ VÚ: ĐIỀU TRỊ, CÁCH DỰ PHÒNG

  1. Điều trị

Ung thư vú là một trong những loại ung thư có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Hiện nay, các bác sĩ thường xem xét và có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị cùng lúc để đạt hiệu quả tối ưu. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, đặc điểm sinh học của khối u, tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, và đặc biệt là mong muốn của bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

Phẫu thuật

Nhằm mục đích loại bỏ khối u tại vú và trong hầu hết các trường hợp là vét hạch hố nách, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật bảo tồn hoặc phẫu thuật triệt căn. Phẫu thuật bảo tồn bao gồm việc cắt bỏ một phần tuyến vú chứa khối u và mô vú xung quanh để đảm bảo không còn sót lại tế bào ung thư. Trong khi đó, phẫu thuật triệt căn bao gồm việc cắt bỏ toàn bộ tuyến vú, bao gồm tất cả các mô vú, mỡ dưới da, da vú, và quầng núm vú.

Xạ trị

Sử dụng các chùm tia năng lượng cao như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư là một phương pháp xạ trị hiệu quả. Bác sĩ sẽ quyết định liệu bệnh nhân có cần xạ trị hay không dựa trên giai đoạn bệnh và một số yếu tố khác. Mục đích của xạ trị ung thư vú giai đoạn sớm là giảm nguy cơ tái phát tại vú và vùng xung quanh, đóng vai trò quan trọng trong điều trị triệt căn ung thư vú. Đối với ung thư vú giai đoạn muộn, xạ trị giúp giảm các triệu chứng như đau do chèn ép và di căn xương.

Hoá trị

Đây phương pháp cơ bản trong điều trị ung thư vú, áp dụng cho cả giai đoạn sớm và giai đoạn di căn. Sau phẫu thuật, hóa trị nhằm giảm nguy cơ tái phát (được gọi là điều trị bổ trợ) và là một phần của điều trị triệt căn ung thư vú. Trong những trường hợp không thể phẫu thuật ngay, hóa trị giúp giảm kích thước khối u để tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật. Ở giai đoạn di căn, điều trị toàn thân bằng hóa trị giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, tùy vào giai đoạn và các yếu tố bệnh học của từng bệnh nhân, có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị nội tiết, điều trị đích và điều trị miễn dịch.

Tái tạo vú

Bên cạnh điều trị ung thư vú, việc nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân sau điều trị, đặc biệt là về mặt thẩm mỹ rất được chú trọng. Do đó, nhiều phương pháp tái tạo vú đã được phát triển, bao gồm sử dụng túi độn và tái tạo vú bằng chính mô của bệnh nhân. Các phương pháp này có thể sử dụng da, mỡ, và cơ từ các vùng khác của cơ thể như lưng, bụng, hoặc mông để tái tạo lại vú.

  1. Cách phòng ngừa

Yếu tố lối sống

Duy trì cân nặng hợp lý. Hãy cố gắng duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở xuống, giảm số lượng calo bạn ăn mỗi ngày và từ từ tăng cường độ tập thể dục.

+ Tránh béo phì: nên duy trì trọng lượng cơ thể khoẻ mạnh bằng cách ăn các bữa ăn cân bằng và tập thể dục thường xuyên vì béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú.

+ Hạn chế ăn đường và carbohydrate tinh chế như đồ ngọt và đồ uống có đường và nước soda. Sẽ tuyệt vời hơn nếu thay thế đồ ngọt bằng trái cây tươi hoặc khô.

Hình 1. Duy trì cân nặng phù hợp và có chế độ ăn uống lành mạnh

– Hạn chế đồ uống có cồn, rượu bia, nếu càng uống nhiều rượu, nguy cơ phát triển ung thư vú càng cao. Có nghĩa là không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly đối với nữ giới.

– Chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc chủ yếu từ thực vật, như trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và quả hạch, dầu ô liu nguyên chất và các loại hạt hỗn hợp, cá, thịt gia cầm không da,… để giảm nguy cơ mắc bệnh một số loại ung thư cũng như các bệnh về tiểu đường, tim mạch và đột quỵ.

– Không hút thuốc lá giúp ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm về hô hấp và giảm nguy cơ ung thư vú.

Thường xuyên kiểm tra vú và vùng ngực

Tự khám vú là cách quan trọng giúp phát hiện ung thư vú sớm cùng các bất thường khác xuất hiện ở vú, nhờ đó tăng khả năng chữa trị thành công. Nên tự kiểm tra tại nhà hàng tháng vào thời điểm 7-10 ngày sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt bởi đây là thời điểm vú của bạn mềm nhất, dễ dàng sờ và phát hiện các thay đổi bất thường.

+ Đối với phụ nữ mãn kinh có thể khám vào bất kỳ thời điểm nào trong tháng.

+ Đối với phụ nữ mang thai nên tự khám vú càng sớm càng tốt vì một số thay đổi sinh lý có thể khiến các u, cục trong vú khó đánh giá khi vú to và phát triển nhiều.

+ Đối với phụ nữ sau sinh và đang cho con bú cũng nên khám vú thường xuyên giúp phòng tránh nguy cơ ung thư vú.

Quy trình tự khám vú tại nhà: các thao tác trong quy trình tự khám khá đơn giản, tuy nhiên cần nắm rõ trình tự và cách thức thực hiện để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh bỏ sót tổn thương.

  • Bước 1: Tự khám vú trước gương. Đứng trước gương với tư thế vai thẳng và hai tay chống hông. Quan sát và đánh giá hình dáng, kích thước, màu sắc da và vị trí núm vú. Chú ý các dấu hiệu bất thường sau:-

– Da lõm, nhăn nheo hoặc đẩy phồng

– Núm vú: thay đổi vị trí như tụt núm vú

– Đỏ, đau nhức, biến đổi màu sắc da hay sưng tấy

  • Bước 2: Giơ tay lên cao và kiểm tra tương tự
  • Bước 3: Tìm các dấu hiệu của dịch vú

Phát hiện sự xuất hiện bất thường của dịch núm vú, quan sát và đánh giá màu sắc dịch (màu trắng, màu vàng trong hay màu đỏ). Dịch chảy núm vú có máu đỏ thẵm thường có liên quan đến tồrn thương ác tính.

  • Bước 4: Tự khám vú khi nằm

Ở tư thế nằm, nhu mô vú dàn đều, việc khám dễ dàng hơn. Dùng tay phải để khám vú trái và tay trái khám vú phải. Khi khám dùng mặt lòng của 3 ngón tay giữa, giữ cho các ngón phẳng và sát vào nhau. Ngón tay ấn một lực vừa phải và di chuyển theo chuyển động tròn từ ¼ trên trong vú cho đến hết toàn bộ vú. Khám theo thứ tự nhất định, từ trên xuống dưới, từ bên này sang bên kia. Cần thống nhất trình tự khám trong mỗi lần thực hiện để đảm bảo khảo sát toàn bộ nhu mô vú.

  • Bước 5: Khám vú ở tư thế đứng hoặc ngồi

Cuối cùng, bạn sờ ngực khi đứng hoặc ngồi, có thể thực hiện bước này khi đang tắm. Khám toàn bộ vú tương tự bước 4.

Hình 2. Quy trình tự khám vú tại nhà

2.3. Tầm soát ung thư vú

Bắt đầu từ năm 40 tuổi, phụ nữ nên chụp X-quang tuyến vú (chụp nhũ ảnh) định kỳ hàng năm. Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao nên sàng lọc sớm hơn (trước 40 tuổi). Chụp X-quang tuyến vú không ngừa ung thư nhưng có thể giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời.

Hình 3. Tầm soát ung thư vú sớm để điều trị kịp thời

ThS. Quốc Kỳ Duyên – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)

Tài Liệu Tham Khảo

  • Understanding Breast Cancer, Cancer Council Australia  © 2020. Last medical review of source booklet: July 2020.
  • Australian Institute of Health and Welfare. Cancer data in Australia [Internet]. Canberra: Australian Institute of Health and Welfare, 2023 [cited 2023 Sept 04]. Available from: https://www.aihw.gov.au/reports/cancer/cancer-data-in-australia

Call Now