Hệ miễn dịch ở trẻ em yếu và nhạy cảm, đặc biệt là trẻ sơ sinh có tế bào da dễ kích ứng, bám bụi bẩn hình thành mụn nước, mủ viêm. Tình trạng trẻ sơ sinh nhập viện do viêm da xuất hiện nhiều khi thời tiết nóng với triệu chứng da nổi nhiều mụn mủ nhỏ, mụn nước đã vỡ toàn thân, cánh tay và mặt có nhiều nốt mủ trắng rải rác đơn độc hoặc tập trung thành từng cụm, quấy khóc, không chịu bú. Thời gian đầu là những dát hồng trên da, sau đó xuất hiện mụn nước hóa mủ gây đau nhức.
Khi thời tiết nắng nóng, trẻ đổ nhiều mồ hôi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lưu trú, chủ yếu do tụ cầu – Staphylococcus sp. và liên cầu Streptococcus sp., tiết độc tố gây nhiễm trùng trên da. Các vị trí hay gặp là vùng tay chân, vùng bẹn, nách, cổ… – vùng khó vệ sinh, dễ ra mồ hôi. Triệu chứng toàn thân ở trẻ gồm sốt cao, nổi hạch, viêm nề tấy đỏ tại chỗ, hoại tử da, nhiễm trùng nhiễm độc, viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu.
– Triệu chứng mụn mủ vùng đầu – Neonatal cephalic pustulosis xuất hiện ở 20% trẻ sơ sinh 3 tuần tuổi do phản ứng viêm của da với nấm Malassezia. Các tổn thương gồm mụn mủ, sẩn viêm, không có nhân mụn ở mặt, má và đầu. Trường hợp bệnh nhẹ khỏi trong vòng 4 tháng, không để lại sẹo, không làm tăng nguy cơ xuất hiện mụn trứng cá ở tuổi vị thành niên. Trong phòng ngừa, cần rửa mặt cho trẻ hằng ngày, tránh các sản phẩm chứa dầu. Điều trị với kem ketoconazole 2% bôi 2 lần/ngày hoặc dùng hydrocortisone 1% bôi 1 lần/ngày.
– Triệu chứng ban đỏ nhiễm độc – Erythema toxicum neonatorum – ETN gặp ở khoảng 20% trẻ sơ sinh trong vòng 24 – 72 giờ đầu sau khi chào đời và hết bệnh sau khoảng 5 – 7 ngày ở trẻ nặng cân, thai đủ tháng hoặc già tháng. Cơ chế bệnh sinh do đáp ứng miễn dịch ban đầu trước sự xâm nhập các vi sinh vật kí sinh trên da vào nang lông. Biểu hiện là mảng, sẩn đỏ 1 – 3mm, tiến triển thành mụn mủ trên nền da đỏ ở thân mình – gần các chi, không tổn thương lòng bàn tay và chân. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng: Nhuộm Wright mụn mủ, soi tươi, xét nghiệm máu hoặc nuôi cấy mủ tìm vi khuẩn, nấm.
– Bệnh Miliaria – mụn ở trẻ sơ sinh và trẻ em thường gặp ở vùng có khí hậu nóng ẩm với tỷ lệ mắc bệnh có thể lên tới 15%, do tình trạng tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi. Trẻ bị Miliaria xuất hiện tổn thương ở mặt, da đầu và nếp kẽ, gồm 4 thể chính:
- Miliaria tinh thể có dạng mụn nước nhỏ, thành mỏng, không viêm giống giọt sương ngay từ khi sinh ra do tình trạng tắc ống tuyến eccrine phần nông thượng bì;
- Miliaria rubra – rôm đỏ do tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi thượng bì, dẫn tới phản ứng viêm tại chỗ ở thượng bì và trung bì hình thành cụm mụn mủ và sẩn đỏ;
- Miliaria pustulosa do viêm tại chỗ, biểu hiện mụn mủ trên nền dát đỏ tương tự Miliaria rubra;
- Miliaria profunda dạng sẩn, sẩn mụn mủ và da đổi màu, hiếm gặp ở trẻ em.
Miliaria hiếm gặp sau sinh thường phát triển trong tuần đầu tiên sau khi trẻ sinh ra. Bệnh liên quan tới nhiệt độ nóng: Dùng lò sưởi, mặc nhiều lớp quần áo… Chẩn đoán chủ yếu dựa trên các triệu chứng lâm sàng, không cần điều trị đặc hiệu. Tổn thương giảm nhanh nếu trẻ giảm tiết mồ hôi bằng cách thay đổi môi trường mát mẻ, mặc quần áo mỏng hơn.
– Phát ban mụn nước, mụn mủ và rối loạn sinh tủy thoáng qua ở trẻ mắc hội chứng Down: Khoảng 20% trẻ em mắc hội chứng Down có rối loạn sinh tủy. Trong một số trường hợp, tình trạng rối loạn sinh tủy kèm phát ban mụn nước, mụn mủ ở mặt ở những ngày đầu sau sinh. Tổn thương da hết tự nhiên sau 1 – 3 tháng.
Viêm da mụn mủ ở trẻ sơ sinh gây hậu quả nghiêm trọng như
– Viêm da bội nhiễm gây viêm nhiễm rộng, khó kiểm soát tăng nguy cơ hoại tử da.
– Viêm da nhiễm trùng huyết – biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
– Viêm da mủ gây viêm não: vi khuẩn sẽ tấn công các tế bào thần kinh gây xuất huyết, đột quỵ, viêm màng não…
Điều trị viêm da mủ tùy thuộc vào từng mức độ viêm da. Khi có triệu chứng viêm da, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám và xác định mức độ bệnh, đề phòng biến chứng. Viêm da mủ có thể phòng tránh bằng cách rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc; Khi thấy da có mụn, phụ huynh không được tự chích nặn mủ, tránh kì cọ mạnh lên tổn thương, cào xước vùng da viêm tấy chưa hóa mủ.
Phụ huynh chăm sóc trẻ hàng ngày, vệ sinh đúng cách, tránh mặc đồ dày không thấm hút mồ hôi và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý chữa trị tại nhà, tránh gây những tác động tiêu cực cho da và sức khỏe của trẻ
ThS. Nguyễn Vân Hương – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)
Tài liệu tham khảo