NTTU – Giai đoạn 6 tháng sau của năm 2021, người dân nói chung và sinh viên, giảng viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vừa trải qua một giai đoạn khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê trên cổng thông tin của bộ y tế về đại dịch covid-19, số ca mới mắc cứ gia tăng liên tục mỗi ngày. Cơn sốt lây nhiễm COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh vừa hạ nhiệt thì đến lượt các tỉnh thành lại đang phải đối mặt với tình trạng lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng. Hiện nay, việc giãn cách xã hội để kiểm soát lây nhiễm trở về mức “Không” không khả thi nữa mà chủ yếu toàn dân phải tích cực ngăn ngừa sự phát tán rộng rãi trong cộng đồng. Xét nghiệm là bước rất quan trọng để giúp giảm sự lây lan của COVID-19.
Các loại xét nghiệm COVID-19
Có nhiều loại xét nghiệm khác nhau: xét nghiệm chẩn đoán và xét nghiệm kháng thể.

Xét nghiệm chẩn đoán gồm xét nghiệm tìm kháng nguyên và xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAATs). Các xét nghiệm này còn gọi là xét nghiệm virus vì nó giúp xác định sự có mặt của virus, hay sự lây nhiễm của virus. Mẫu xét nghiệm thường là dịch tỵ hầu hay dịch hầu họng, được lấy bằng tăm bông vô trùng, hoặc nước bọt lấy bằng cách khạc vào ống lấy mẫu. Xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên virus có thể thực hiện trong vài phút bằng kit xét nghiệm nhanh với thao tác đơn giản. Xét nghiệm sinh học phân tử NAATs (kỹ thuật RT-PCR) phải tiến hành trong phòng thí nghiệm, đòi hỏi trang thiết bị, hóa chất, có thể mất nhiều ngày để hoàn thành. Các xét nghiệm này giúp xác định một người có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hoạt động tại thời điểm xét nghiệm hay không. Nếu như xét nghiệm cho kết quả dương tính thì người này được chẩn đoán là nhiễm virus hoạt động và có nguy cơ lây nhiễm cao cho các đối tượng tiếp xúc gần.

Xét nghiệm kháng thể hay còn gọi là xét nghiệm huyết thanh học, giúp phát hiện các kháng thể trong hệ thống miễn dịch. Kháng thể là các protein mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra để đáp ứng với SARS-CoV-2, giúp chống lại sự lây nhiễm của virus và bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh khi phơi nhiễm hoặc nếu bị nhiễm bệnh thì giảm mức độ nặng, giảm nguy cơ tử vong. Kháng thể kháng lại virus SARV-CoV-2 được cơ thể tạo ra sau khi tiêm vaccine hoặc sau khi bị nhiễm virus SAR-CoV-2 và tồn tại vài tuần, vài tháng hoặc hơn sau khi hồi phục. Do đó, xét nghiệm kháng thể không được dùng để chẩn đoán xác định sự nhiễm virus tại thời điểm đó, nhưng có thể dùng để chẩn đoán hồi cứu hoặc cho biết một người đã tiêm vaccine hay chưa. Trong nghiên cứu, xét nghiệm kháng thể góp phần làm sáng tỏ cách hệ thống miễn dịch của con người bảo vệ chống lại virus gây bệnh, cách bảo vệ ở cấp độ quần thể dân số, cũng như tìm hiểu về hiệu lực của vaccine. Mẫu xét nghiệm kháng thể có thể là máu toàn phần lấy từ đầu ngón tay hoặc huyết tương, huyết thanh tách từ máu tĩnh mạch.

Đến thời điểm này, việc xét nghiệm đã không còn xa lạ đối với chúng ta. Mỗi cá nhân đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng chống lại dịch bệnh. Hiểu đúng về các xét nghiệm COVID-19, thực hiện xét nghiệm khi cần thiết, đưa ra lời khuyên chính xác cho người thân là góp phần vào cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19.
ThS. Từ Minh Thành – Khoa KTXNYH
Tài liệu tham khảo