NTT – COVID-19 tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau. Nhờ hiệu quả vô cùng to lớn của vaccin covid hiện tại mà hầu hết những người nhiễm COVID-19 đều khỏe lại trong vòng vài tuần sau khi bị bệnh. Nhưng bên cạnh đó, một số người lại gặp phải các tình trạng hậu COVID-19, là một loạt các vấn đề sức khỏe mới đã và đang diễn ra mà mọi người có thể gặp phải. Theo WHO, hậu COVID-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Những tình trạng này có thể biểu hiện dưới dạng các dạng khác nhau và sự kết hợp của các vấn đề sức khỏe trong các khoảng thời gian khác nhau. Vì thế việc kiểm tra sức khỏe hậu Covid là cần thiết để phát hiện sớm các di chứng có thể xảy ra và từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả.
- Tại sao phải kiểm tra sức khỏe hậu covid-19?
Kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 nhằm giúp người bệnh được đánh giá, chẩn đoán tình trạng sức khỏe sau khi điều trị Covid-19 và giúp việc điều trị các yếu tố hậu Covid-19 được hiệu quả. Hội chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Đa số các triệu chứng nghiêm trọng của hội chứng hậu Covid-19 thường gặp ở người bị bệnh nặng phải nhập viện. Nhưng một số triệu chứng cũng được ghi nhận ở người bị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Mặc dù Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp đến phổi nhưng người bị Covid-19 nghiêm trọng còn gặp tình trạng ảnh hưởng chức năng đa cơ quan như tim, gan, thận, não…Kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 còn nhằm đánh giá chức năng và chẩn đoán bệnh lý liên quan đến phổi, gan, thận, tim mạch; kiểm tra tình trạng viêm và đông máu…, từ đó có phương pháp điều trị các di chứng Covid-19 hiện tại và dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
- Các xét nghiệm cần thiết khi kiểm tra sức khỏe hậu covid-19:
Hầu hết bệnh nhân Covid-19 cấp tính mức độ nhẹ, sau khi khỏi thì không cần xét nghiệm. Riêng bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh nặng, bệnh nhân đã xuất viện hoặc người có các triệu chứng tiếp tục không giải thích được cần làm các xét nghiệm như công thức máu; sinh hóa máu: điện giải, urê máu và creatinine máu, chức năng gan, albumin trong máu… Tùy vào biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định xét nghiệm phù hợp.
Để đánh giá chức năng gan, thận và nội tiết chuyển hóa hậu COVID-19 chúng ta cần làm các xét nghiệm như: AST, ALT là các chỉ số men gan nhằm phản ánh tình trạng tổn thương gan, xét nghiệm creatinine là giá trị quan trọng để đánh giá chức năng thận, xét nghiệm glucose máu và HbA1c giúp phân biệt được tình trạng tăng đường huyết thoáng qua do covid hay do bệnh đái tháo đường đã có từ trước, điện giải đồ cũng là một xét nghiệm quan trọng để xác định nồng độ điện giải trong cơ thể như natri, kali, canxi và vitamin D trong máu giúp đánh giá một số rối loạn ở tim, thận, xương…..

Một vấn đề đáng ngại và thường gặp ở các bệnh nhân Covid-19 nặng để lại hậu quả nghiêm trọng chính là tình trạng tăng đông. Tình trạng này làm xuất hiện các cục máu đông lưu hành gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thuyên tắc mạch. Cục máu đông hạn chế dòng chảy của máu đến các bô phận khác có thể gây tổn thương tứ chi, đường tiêu hóa hay thận…Vì thế cần thực hiện các xét nghiệm yếu tố liên quan đến tình trạng tăng đông như D-dimer, aPTT, PT giúp chuẩn đoán tình trạng đông cầm máu của bênh nhân từ đó giúp dự đoán và phòng ngừa các biến chứng liên quan. Đặc biệt là những bệnh nhân từng bị đột quỵ hoặc có yếu tố nguy cơ đột quỵ (tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, cholesterol cao, hút thuốc, bệnh lý tim mạch…) nên làm xét nghiệm kiểm tra đông máu sau khi khỏi bệnh Covid-19 để đánh giá và dự phòng nguy cơ đột quỵ sau đó.
Đã có những trường hợp người bệnh covid-19 bị đột quỵ sau khi khỏi bệnh. Vì vậy, việc đánh giá chức năng tim mạch là vô cùng cần thiết đối với các đối tượng có nguy cơ. Một số xét nghiệm chuẩn đoán hình ảnh được sử dụng như: điện tim, siêu âm tim giúp đánh giá chính xác hơn tình trạng tổn thương trên tim và rối loạn nhịp; MRI não, siêu âm động mạch cảnh, siêu âm bụng, siêu âm mạch máu chi dưới cũng để đánh giá tổn thương tăng đông dẫn đến tắc mạch.
Xét nghiệm như công thức máu, tốc độ máu lắng, CRP hoặc hsCRP là các xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng viêm nhiễm hậu covid-19 cũng như các nguy cơ tiềm ẩn về tim mạch, bên cạnh đó xét nghiệm LDH cũng giúp phát hiện những tổn thương mô trong cơ thể. Tình trạng viêm trong cơ thể có thể phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đang diễn ra.

Phổi là cơ quan chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ covid-19. Để đánh giá và theo dõi diễn biến các thương tổn ở phổi cần thực hiện các xét nghiệm chuẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT phổi… Các bước kiểm tra để phát hiện chính xác tổn thương phổi và điều trị kịp thời gồm: X-quang số hóa phổi thẳng hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực nhằm đánh giá bất thường lồng ngực và tổn thương thường gặp ở phổi như: hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng…; đo chức năng hô hấp, trao đổi khí ra vào phổi, phát hiện sớm các nguy cơ rối loạn không khí (tắc nghẽn, hạn chế).
Bên cạnh đó các thử nghiệm kiểm tra chức năng cũng có thể hữu ích để ghi lại định lượng tình trạng lâm sàng theo thời gian, cùng với các công cụ đánh giá cho các nhu cầu phục hồi chức năng khác (ví dụ, chức năng ruột và bàng quang, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, nhận thức, khả năng vận động, giấc ngủ). Thử nghiệm cần được điều chỉnh cho phù hợp với các triệu chứng và biểu hiện của bệnh nhân.
Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng. Vì thế việc thực hiện kiểm tra sức khỏe hậu covid là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ di chứng sau này. Để khắc phục, hạn chế các biến chứng người bệnh nên có chế độ chăm sóc bản thân hợp lý, bổ sung dinh dưỡng, tập thở, tập thể dục nhẹ nhàng… Nếu thực hiện đúng và đều đặn mỗi ngày thì người mắc hội chứng hậu Covid-19 sẽ nhanh chóng lấy lại sức khỏe.
ThS.Lê Thị Đào – Khoa KTXNYH
Nguồn:
https://www.aih.com.vn/tin-tuc/kiem-tra-suc-khoe-hau-covid-19-bao-gom-nhung-xet-nghiem-nao
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/hcp/clinical-care/post-covid-index.html