TÁC HẠI DO VIỆC SỬ DỤNG CORTICOID TẠI CHỔ KHÔNG ĐÚNG CÁCH

Corticoid là nhóm thuốc có tác dụng chống viêm mạnh. Thuốc corticoid bôi ngoài da là loại thuốc được dùng trực tiếp trên da để làm giảm đỏ, ngứa, ban sẩn. Vì vậy nhóm thuốc này thường được sử dụng trong các bệnh như eczemaviêm da tiếp xúcvẩy nến, phát ban, côn trùng đốt…

Thuốc bôi ngoài da corticoid có nhiều dạng dùng (mỡ, kem, gel, lotion, bọt, dầu gội…) và hàm lượng khác nhau.

Việc sử dụng loại corticoid nào phụ thuộc vào loại bệnh cần điều trị và mức độ nặng của bệnh. Do đó, hai bệnh nhân mắc hai bệnh khác nhau hoặc hai bệnh nhân mắc cùng một bệnh nhưng mức độ nặng khác nhau hoặc vị trí mắc bệnh khác nhau có thể cần sử dụng các loại corticoid khác nhau.

Ví dụ, bệnh nhân vảy nến nặng có thể cần dùng các loại corticoid mạnh nhưng nếu tình trạng bệnh nhẹ, tại các vùng da mỏng (như da mặt) nên sử dụng corticoid yếu. Không lựa chọn đúng loại corticoid phù hợp có thể dẫn tới không cải thiện triệu chứng hoặc gia tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh da mãn tính.

Hơn nữa, người bệnh thường không phân biệt được triệu chứng gây bởi viêm da hay gây bởi các nguyên nhân khác (mà khi sử dụng corticoid có thể không có hiệu quả). Corticoid cũng có thể làm nặng thêm một số bệnh ngoài da (như nấm da, viêm da herpes). Vì vậy không nên tự ý dùng thuốc mà không có sự tư vấn của dược sĩ hoặc bác sĩ.

Để biết loại thuốc mình đang sử dụng có chứa corticoid không, bạn có thể kiểm tra thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm. Thông thường thông tin này có tại mục “các đặc tính dược lý” hoặc “dược động học”. Lưu ý rằng trong tờ hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất có thể dùng các tên gọi khác của corticoid là glucocorticoid hoặc corticosteroid. Hoặc bạn có thể xem mục “thành phần” để biết thuốc chứa hoạt chất gì. Các hoạt chất phổ biến của corticoid là hydrocortisone acetate, triamcinolone acetonide, mometasone furoate, clobetasone butyrate, clobetasol propionate, betamethasone valerate, betamethasone dipropionate, fluocinolone acetonide.

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại kem trộn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong thành phần của các loại kem này có thể chứa corticoid sẽ gây ức chế miễn dịch của da, khiến da ngậm nước mạnh, làn da sau khi sử dụng corticoid sẽ trắng sáng, mịn màng và căng mọng rất nhanh chỉ trong vòng 24h. Và thường trên nhãn sản phẩm không đề cập tới. Người tiêu dùng không thể nhận biết được bằng mắt thường. Vì vậy cần lưu ý chỉ sử dụng các loại kem có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nhìn chung, Corticoid bôi ngoài da thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu được sử dụng đúng như liều khuyến cáo. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc sử dụng corticoid mạnh hoặc trên một diện tích da lớn, nguy cơ gặp tác dụng phụ sẽ cao hơn. Người cao tuổi và trẻ em là những đối tượng dễ gặp tác dụng phụ của thuốc.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc corticoid bôi ngoài da là cảm giác châm chích, bỏng rát nhẹ. Cảm giác này thường biến mất sau vài lần sử dụng. Ngoài ra, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ khác như teo mỏng da, rạn da, thay đổi sắc tố da, da dễ bị bầm tím, tổn thương, chậm lành vết thương, mụn hoặc trứng cá đỏ, rậm lông ở vùng điều trị, bội nhiễm nấm, vi khuẩn.

Dù chỉ dùng tại chỗ, một lượng thuốc vẫn có thể đi qua da và hấp thu vào dòng máu. Thông thường lượng thuốc này nhỏ và không gây ra các tác dụng phụ toàn thân. Nhưng nếu sử dụng corticoid hiệu lực mạnh liên tục, dài ngày trên diện tích da lớn, lượng thuốc được hấp thu này có thể đủ lớn để gây ra các tác dụng phụ khác như chậm lớn ở trẻ em, hội chứng Cushing.

Khi sử dụng đồng thời nhiều thuốc dùng ngoài, nên dùng cách nhau (ví dụ cách nhau 30 phút) để tránh làm pha loãng nồng độ của corticoid hoặc tránh lan rộng thuốc đến những vùng da không bị bệnh. Nếu sử dụng corticoid ngoài da cùng với sản phẩm dưỡng ẩm, nên bôi sản phẩm dưỡng ẩm trước, đợi khoảng 30 phút trước khi bôi corticoid tại chỗ.

Khi bị mắc các bệnh ngoài da, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh làm bệnh nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đặng Đức Huy – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Aljebab, F., Choonara, I., & Conroy, S. (2016). Systematic review of the toxicity of short-course oral corticosteroids in children. Archives of disease in childhood, 101(4), 365-370.

[2] Urban Jr, R. C., & Cotlier, E. (1986). Corticosteroid-induced cataracts. Survey of ophthalmology, 31(2), 102-110.

Call Now