Bệnh đau mắt đỏ – nguyên nhân và cách điều trị

Đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý thường gặp ở mắt, tuy không quá nguy hiểm nhưng gây cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến các hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Trong bài viết dưới đây, mời các bạn cùng tìm hiểu về những biểu hiện của bệnh cũng như cách phòng tránh và chữa trị nhé! 

Thế nào là bệnh đau mắt đỏ?

Đau mắt đỏ thực chất là tên gọi dân gian của bệnh viêm kết mạc. Đó là khi lớp màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu (hay lòng trắng) và kết mạc mi gặp phải tình trạng viêm nhiễm.

Bệnh có thể bắt gặp ở bất kỳ ai từ người lớn đến trẻ nhỏ. Đặc biệt, trong thời gian ngắn, bệnh đau mắt đỏ có khả thể bùng phát thành ổ dịch bởi rất dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc.

Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng, không để lại di chứng về sau và có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nhiều lần ở một người bởi cơ thể con người không thể sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh này.

Nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ và những triệu chứng thường gặp

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đau mắt đỏ, trong đó một số nguyên nhân thường gặp và các triệu chứng đi kèm như:

  • Đau mắt đỏ do virus: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh, với những triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt, có ghèn dây, sưng, cộm, giảm thị lực. Đối với bệnh viêm kết mạc do virus gây ra có thể dễ dàng lây lan thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với nước mắt của người bệnh.

  • Đau mắt đỏ do vi khuẩn: thường là do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus… Một vài triệu chứng điển hình như chảy nước mắt, ngứa, dính 2 mi mắt do có ghèn vàng hoặc vàng xanh nhạt vào buổi sáng lúc thức dậy. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng như giảm thị lực không phục hồi, viêm loét giác mạc. Một người có thể bị lây đau mắt đỏ nếu tiếp xúc với dịch tiết nước mắt hoặc đồ dùng có dính dịch tiết nước mắt của người bệnh.
  • Đau mắt đỏ do dị ứng: Thông thường rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra dị ứng, có thể là do lông vật nuôi, thuốc, phấn hoa, bụi…. Các triệu chứng của đau mắt đỏ do dị ứng thường là ngứa và chảy nước mắt ở cả 2 mắt, có thể kèm theo viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, đau mắt đỏ do dị ứng thì không có khả năng lây lan.

Phương pháp điều trị đau mắt đỏ đúng cách

Tùy vào nguyên nhân gây đau mắt đỏ, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp:

  • Đau mắt đỏ do virus: Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày. Người bệnh có thể tự chườm lạnh để giảm triệu chứng phù nề; rửa mặt bằng nước muối sinh lý (natriclorit 0,9%) và nhỏ nước mắt nhân tạo. Nếu bị dử mắt nên đến bác sỹ thăm khám, hướng dẫn điều trị
  • Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Bác sỹ sẽ khám – kê đơn – hướng dẫn điều trị (vệ sinh mắt, cho uống kháng sinh, kháng viêm…)
  • Đau mắt đỏ do dị ứng: Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nếu biết; bác sĩ sẽ kê toa thuốc nhỏ hoặc thuốc uống giảm tình trạng dị ứng; Nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm cảm giác ngứa.

* Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

Để có thể ngăn ngừa được bệnh đau mắt đỏ một cách hiệu quả, mọi người nên lưu ý một vài điều sau đây:

– Giữ gìn vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày.

– Vệ sinh mắt mỗi ngày với nước muối sinh lý 0.9%.

– Không dùng chung khăn mặt với người khác.

– Tránh để các loại hóa chất như sữa tắm, dầu gội… dây vào mắt.

– Sử dụng kính chắn bụi, gió khi ra đường.

– Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin và các khoáng chất trong trái cây.

– Khi vào mùa dịch nên hạn chế tiếp xúc tại những nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài.

– Nên chọn những bể bơi sạch, đạt tiêu chuẩn khi đi bơi, đồng thời sử dụng kính bơi và rửa mắt với nước muối sinh lý 0.9% ngay sau khi bơi.

– Thường xuyên mở cửa thông gió và giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

– Nếu gia đình có người bị đau mắt đỏ thì phải cách ly hợp lý (như đeo khẩu trang kể cả khi không ra ngoài, tuyệt đối không ôm hôn người khác – nhất là trẻ em).

DS. Đặng Đức Huy – K. Kỹ thuật xét nghiệm y học (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

Castle, W. E., & Little, C. C. (1909). The Peculiar Inheritance pf Pink Eyes Among Colored Mice. Science, 30(766), 313-314.

Call Now