NGHIỆN INTERNET NÓI CHUNG VÀ NGHIỆN MẠNG XÃ HỘI NÓI RIÊN

Bài viết nhằm cung cấp những thông tin hiểu biết chung cho quý thầy cô, các bạn sinh viên về Nghiện internet nói chung và nghiện mạng xã hội nói riêng Mạng xã hội được xem như một công cụ quý giá giúp con người giải trí và giao tiếp với nhau dù ở khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, nghiện sử dụng mạng xã hội sẽ dẫn đến một số tác động tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dùng, cụ thể là suy giảm sức khỏe tinh thần ở phần lớn giới trẻ.

Trong một nghiên cứu gần đây, 85% người có dùng mạng xã hội truy cập vào những trang này ít nhất một lần mỗi ngày và 70% người thừa nhận rằng họ phải đăng nhập vào mạng xã hội đầu tiên ngay khi vừa mở máy tính hoặc thiết bị di động. Đối với nhiều người, nhu cầu được sử dụng mạng xã hội thậm chí còn cao hơn cả ham muốn được ngủ và nghỉ ngơi. Thực tế, mạng xã hội sẽ dễ dàng gây nghiện hơn cả rượu bia và ma túy bởi vì chúng phổ biến hơn, được cộng đồng chấp nhận rộng rãi và gần như là hoàn toàn miễn phí. Theo các chuyên gia xã hội học, mạng xã hội luôn có những tính năng và dịch vụ hấp dẫn để níu chân các thành viên. Vì vậy, người dùng tuy có quyền tự do ngừng tham gia mạng xã hội bất kỳ lúc nào nhưng lại rất khó thực hiện được. Mạng xã hội còn trở thành phòng “thí nghiệm ảo” để ghi lại toàn bộ phản ứng của người dùng trước các kích thích mới, như một kiểu nghiên cứu thị trường và khách hàng mà các doanh nghiệp đối tác đang nhắm tới. Theo bác sĩ CK2 Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM  chia sẻ tác hại của việc nghiện internet, mạng xã hội: “Nghiện mạng xã hội là một nhánh nhỏ của việc nghiện internet. Việc sử dụng internet và máy tính để truy cập làm việc, trao đổi cũng như kết nối với người xung quanh đã ăn sâu vào đời sống xã hội và thay đổi cách sống của con người. Một số ứng dụng được phát triển để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên của thiết bị điện tử, từ đó lôi kéo người dùng sử dụng lâu hơn. Dẫn chứng khảo sát trên 13.000 thanh, thiếu niên từ 14 – 17 tuổi tại 7 nước châu Âu cho thấy, có 1,2% trẻ em được chẩn đoán nghiện internet và 12% nằm trong nhóm nguy cơ cao. Theo khảo sát này, trẻ em nam có tỷ lệ nghiện internet cao hơn trẻ em nữ, đặc biệt là những trẻ sắp thành niên hoặc có cha mẹ có trình độ học vấn thấp. Và tỷ lệ nghiện mạng xã hội đứng đầu tiên, tiếp đến là nghiện cờ bạc qua mạng và nghiện game.

Một số chứng nghiện internet bao gồm: nghiện tình dục trên mạng, ám ảnh cưỡng chế trên mạng, nghiện quan hệ mạng, tìm kiếm thông tin một cách cưỡng chế và nghiện game.”Nghiện tình dục trên mạng có tính phổ biến do có nhiều dịch vụ cung cấp thông tin dễ tiếp cận, tính nặc danh, tiện dụng trong truy cập là yếu tố khiến người dùng bị nghiện. Còn với những người bị nghiện quan hệ mạng, họ thường lún sâu vào việc tìm kiếm và duy trì mối quan hệ trực tuyến, bỏ bê cuộc sống đời thực. Những người này thường có vấn đề về lo âu và rối loạn ái kỷ rất lớn, cần trị liệu tâm lý“. Về chứng nghiện game, bác sĩ Tâm cho biết, năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận đây là một loại bệnh, thường rơi vào độ tuổi thanh, thiếu niên. Chứng nghiện này gây nguy hại rất lớn đến phát triển tâm sinh lý, xây dựng quan hệ xã hội như thu mình lại, khó khăn trong giao tiếp, cáu kỉnh…, ảnh hưởng quá trình học tập. Khi bị tách khỏi máy tính thì các trẻ này thường tức giận, phản đối gay gắt thậm chí là đe dọa tự sát.”Việc nghiện internet nói chung và nghiện mạng xã hội nói riêng có thể gây ra nhiều tác hại về thể chất và tinh thần như đau nhức cơ thể, các vấn đề về thị lực, tăng giảm cân, suy giảm trí nhớ… Ngày xưa, một người có thể ghi nhớ từ 10 – 20 số điện thoại. Tuy nhiên, khi điện thoại di động trở nên phổ biến thì việc này là bất khả thi. Ngoài ra, các chứng nghiện này có thể gây ra các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo lắng, cô lập xã hội…

Can thiệp thế nào?

Theo bác sĩ Tâm, hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm kiếm phương pháp hiệu quả nhất để điều trị chứng nghiện này. Một trong những phương pháp được sử dụng khá phổ biến là can thiệp tâm lý theo hướng nhận thức hành vi, can thiệp tâm lý gia đình đặc biệt hiệu quả khi người nghiện có vấn đề lo âu, trầm cảm kèm theo. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ cho điều trị hóa dược với những đối tượng được chẩn đoán bệnh lý lo âu, trầm cảm.

Bác sĩ Tâm khuyến nghị “Mục tiêu của việc điều trị không phải là kiêng hoàn toàn việc sử dụng internet, mạng xã hội vì sử dụng mạng là yếu tố không thể thiếu trong đời sống cá nhân ngày nay. Thay vào đó, việc trị liệu giúp kiểm soát việc sử dụng mạng và chức năng tương ứng của nó, ngăn ngừa các liệu pháp nhận thức hành vi. Với đối tượng trẻ em, phụ huynh nên quan tâm quản lý thời lượng sử dụng internet của trẻ, hài hòa các hoạt động giao tiếp, tương tác đời thật, bố trí thiết bị kết nối mạng ở những khu vực giao lưu nhằm kiểm soát và hình thành tính tự giác sử dụng của trẻ”.

Huỳnh Thi Chi – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/vi-sao-mang-xa-hoi-co-kha-nang-gay-nghien

https://thanhnien.vn/lam-sao-tri-nghien-mang-xa-hoi

Call Now