Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng ở trẻ

NTTU – Bài viết nhằm cung cấp những thông tin hiểu biết chung cho quý thầy cô, các bạn sinh viên về bệnh tay chân miệng ở trẻ

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây lan. Đa phần trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi. Một số nhỏ có thể có biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, tim…

Dấu hiệu bệnh thường xuất hiện vào ngày thứ 3 – 5, trẻ bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với…

  • Nếu nhẹ thì bé khi thiu thiu ngủ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi thì bình thường;
  • Độ nặng hơn một chút là bé vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với;
  • Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với;

Lúc này nên chú ý trong lòng bàn tay có nổi nốt hay không, miệng có loét hay không, vài ngày trước trẻ có than đau miệng, chảy nước bọt hay không

Cách phòng bệnh:

Bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin phòng ngừa. Bệnh lây qua chất tiết đường tiêu hóa, do đó quan trọng nhất vẫn là tăng cường vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

  1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ;
  2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng;
  3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường;
  4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;
  5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh;
  6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất;

Phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế:

  • Nếu trẻ sốt từ 37,5 đến dưới 38,5°C:

+ Nằm chỗ thoáng, cởi bỏ bớt quần áo;

+ Dùng khăn ấm đắp vào trán, bẹn, nách, cổ. Đây là những khu vực tập trung nhiều mạch máu, khăn ấm giúp các mạch máu dưới da giãn nở, tăng cường thoát nhiệt, trao đổi nhiệt với môi trường giúp hạ sốt tự nhiên. Tuy nhiên, cần thay khăn thường xuyên, không để khăn nguội, lạnh

  • Nếu sốt trên 38,5°C thì sử dụng thuốc paracetamol với 10 mg/kg/lần, các lần cách nhau 6 tiếng. Việc dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế để dùng đúng liều, đúng thuốc phù hợp với độ tuổi, cân nặng.

* Lưu ý đưa trẻ đến cơ quan y tế gần nhất khi có các biểu hiện sau:

  • Sốt trên 3 ngày
  • Sốt trên 39°C mà dùng các biện pháp không đỡ
  • Nôn ói nhiều
  • Trẻ ngủ gà

DS. Huỳnh Thị Chi – Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

  1. https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/tay-chan-mieng/benh-tay-chan-mieng-nhan-dien-va-cham-soc-tre-benh-edd2ebc62f097fe36b70b74542262784.html
  2. https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/tay-chan-mieng/chu-dong-phong-benh-tay-chan-mieng
  3. https://www.fvhospital.com/ban-can-biet/benh-tay-chan-mieng
  4. https://dizigone.vn/phac-do-tay-chan-mieng-bo-y-te

 

 

Call Now