XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT BỆNH LÝ TIM MẠCH

Bệnh lý tim mạch là một trong những bệnh lý phổ biến và thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam và trên thế giới. Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam cho thấy cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người có nguy cơ mắc. Bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào và tuổi mới bị mắc cũng ngày càng trẻ hoá.

Hình 1. Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch có tỷ lệ tử vong hàng đầu thế giới 

  1. Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch

Diễn biến trong âm thầm chính là điều làm nên sự nguy hiểm của bệnh lý tim mạch. Các dấu hiệu bệnh lý tim mạch thường dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh tim mạch để tầm soát sớm cũng chính là bảo vệ cho bản thân và người thân trong gia đình bạn tránh những biến chứng nguy hiểm. Các dấu hiệu giúp cảnh báo bệnh lý tim mạch thường gặp có thể kể đến như:

  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Ho dai dẳng :
  • Buồn nôn, chán ăn
  • Nhịp tim nhanh, mạch đập không đều
  • Hay lo lắng
  • Chóng mặt và ngất xỉu
  • Hiện tượng phù nề

Hình 2. Các dấu hiệu của bệnh lý tim mạch 

  1. Vai trò của tầm soát tim mạch

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch có thể chỉ xuất hiện thoáng qua nên rất khó nhận biết, do đó nhiều người thường không để ý. Đến khi triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn, gây khó chịu thì người bệnh mới đến các cơ sở y tế để thăm khám. Lúc này, bệnh đã bước sang giai đoạn phức tạp, việc điều trị trở nên khó khăn. Theo Uỷ ban Bệnh tật của Hoa Kỳ, 80% các biến cố tim mạch có thể phòng ngừa được nếu chúng ta tầm soát sớm, kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ, và đến cơ sở y tế phù hợp đúng thời điểm. Vì vậy, các Bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên đi khám bệnh lý tim mạchtầm soát ngay từ sớm để chủ động phát hiện bệnh, kiểm soát hiệu quả và có hướng điều trị kịp thời.

3 . Các xét nghiệm giúp tầm soát bệnh tim mạch

Khi tầm soát bệnh lý tim mạch, Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt để xác định tình trạng sức khỏe. Trong xét nghiệm chẩn đoán các bệnh lý tim mạch, người ta chia thành 2 nhóm:

3.1 Nhóm các chỉ số hoá sinh chẩn đoán nguy cơ vữa xơ động mạch

Thông qua các xét nghiệm lipid máu và lipoprotein máu và 1 số yếu tố nguy cơ khác:

+ Bilan lipid máu: bao gồm các xét nghiệm

  • Cholesterol toàn phần (bình thường : < 5,2 mmol/l)
  • Triglycerid (bình thường < 2,2 mmol/l)
  • HDL-C (bình thường > 0,9 mmol/l)
  • LDL-C (bình thường < 3,9 mmol/l)

Nếu một trong các chỉ số xét nghiệm trên càng dao động xa với giá trị bình thường, nguy cơ bệnh xơ vữa động mạch càng lớn và khả năng đột quỵ càng cao.

+ Lipoprotein (a) [Lp(a)]: là chất gây xơ vữa và yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ và hẹp van động mạch chủ . Xét nghiệm nồng độ Lp(a) được quyết định bởi di truyền và hằng định gần như suốt đời. Mức Lp(a) trên 50 mg / dL được coi là có nguy cơ gây bệnh.

+ Apolipoprotein A-1(ApoA-1) và Apolipoprotein B(ApoB): các xét nghiệm này có thể được thực hiện cùng với các xét nghiệm khác, để giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ra mức lipid bất thường, đặc biệt là khi một người có mức triglyceride tăng cao.

+ Protein phản ứng C độ nhạy cao (hs-CRP) : xét nghiệm hs-CRP đo lường chính xác mức độ phản ứng viêm, giúp dự đoán nguy cơ phát sinh bệnh lý tim mạch.

+ Homocysteine máu : bệnh nhân có tăng homocysteine máu (ví dụ, do thiếu folate hoặc bệnh lý chuyển hóa) có nguy cơ xơ vữa động mạch tăng.

3.2 Nhóm các chỉ số hoá sinh chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim

Thông qua các xét nghiệm enzym, isoenzym và protetin của cơ tim:

+ Các enzym và isoenzym

  • Enzym creatin phosphokinase (CPK) : tăng 4 giờ sau khi có cơn đầu tiên. Đỉnh xuất hiện sau 24 – 38 giờ và trị số trở lại bình thường sau 2-4 ngày. Nó có thể tăng cao hơn so với bình thường từ 2,5 đến 30 lần.
  • Isoenzym của CPK là creatine kinase-myocardial (CK-MB) : CK-MB tăng rất đặc hiệu trong nhồi máu cơ tim. Một dạng khác của CK-MB là CK-MB mass có thể được chỉ định để đánh giá kích thước của ổ nhồi máu cơ tim.

+ Các protetin của cơm tim

  • Troponin: bình thường Troponin đặc hiệu tim trong máu rất thấp, khi cơ tim bị hoại tử, sau một vài giờ, troponin đặc hiệu tim được phóng thích vào trong máu và có thể duy trì cho đến 2 tuần. Do tính đặc hiệu với cơ tim và duy trì cao trong nhiều ngày nên xét nghiệm Troponin T và I được sử dụng rộng rãi, có vai trò quan trọng trong phát hiện tổn thương cơ tim.
  • Myogolin : khi xảy ra tình trạng cơ tim bị hoại tử, nồng độ Myoglobin có xu hướng tăng nhanh và dễ dàng phát hiện trong khoảng 1 đến 4 tiếng đầu tiên. Xét nghiệm Myogolin giúp chẩn đoán sớm nhồi máu cơ timnhưng không đặc hiệu vì nó còn tăng trong các tổn thương cơ xương.
  • BNP và NT-proBNP : đo mức độ BNP huyết tương hoặc nồng độ NT-proBNP được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán, đánh giá tiên lượng và điều trị thích hợp ở người lớn bị suy tim sung huyết.

Hình 3: Lịch sử ra đời một số xét nghiệm dùng trong chẩn đoán bệnh lý tim mạch 

  1. Chuẩn bị khi xét nghiệm

Xét nghiệm tầm soát các bệnh lý tim mạch đo nồng độ các enzyme và protein trong máu. Mẫu máu được lấy như các xét nghiệm máu khác, được lấy từ tĩnh mạch trên cánh tay, bạn không cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm.

Lưu ý là nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm này, nên bạn cần nói cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng.

ThS. Lê Thị Thanh Nhàn – Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học (Tổng hợp)

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Quang Huân, Đặng Duy Phương (2010). Sử dụng Peptides lợi niệu Natri (BNP và NT-proBNP) trong chẩn đoán suy tim.
  2. Global Health Estimates 2016: Deaths by Cause, Age, Sex, by Country and by Region, 2000-2016. Geneva, World Health Organization, 2018.
  3. Emerging risk factors collaboration, Eroquo S, Kaptoge S, Perry PL, et al: Lipoprotein(a) concentration and the risk of coronary heart disease, stroke, and nonvascular mortality. JAMA 302: 412–423, 2009.
  4. White J, Swedlow DI, Preiss D, et al: Association of lipid fractions with risks for coronary artery disease and diabetes. JAMA Cardiol 1(6): 692-699, 2016.

Call Now